“Nếu quân đội Ukraine xuyên thủng được các lớp phòng ngự của đối phương, thì chúng tôi sẽ tái kiểm soát được thêm nhiều khu vực. Để thực hiện được việc đó cần phải có một lượng lớn xe tăng và xe thiết giáp. Nhưng đó sẽ không phải là những loại xe tăng thiếu hiệu quả như T-55, T-64 hay thậm chí là T-72”, trang President.gov.ua dẫn lời ông Podolyak nói trong buổi phỏng vấn với hãng thông tấn Tagesschau của Đức hôm 26/9.
“Đó là lý do vì sao tôi lại kêu gọi các quốc gia đối tác, đặc biệt là Đức, rằng nếu họ muốn quân đội Ukraine giảm bớt thương vong và nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột này thì hãy gửi xe tăng Leopard 2 cho chúng tôi. Các binh sĩ Ukraine hiện có thể học cách sử dụng khí tài phương Tây một cách nhanh chóng, và không gì là không thể đối với chúng tôi. Hãy mở các trung tâm huấn luyện sử dụng khí tài, nhưng quá trình đào tạo cần phải được rút ngắn lại”, ông Podolyak nói thêm.
Cố vấn của Tổng thống Ukraine khẳng định rằng sức mạnh của một siêu cường hạt nhân như Nga “sẽ không ngăn cản được việc Ukraine bảo vệ lãnh thổ”. “Chúng tôi có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình, cũng như khôi phục lại nền hòa bình. Nhưng điều đó cần tới sự hỗ trợ khí tài từ phương Tây”, ông Podolyak khẳng định.
Mỹ điều HIMARS tới sát nách Nga
Hãng tin RT dẫn nguồn tin từ Bộ Chỉ huy châu Âu (EUCOM) và Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ (AFRICOM) cho biết, Washington sẽ triển khai hai Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) cùng hàng chục quân nhân tới Latvia để “tham dự cuộc tập trận được bộ quốc phòng nước chủ nhà tổ chức”.
“Các hệ thống HIMARS sẽ được sử dụng trong những bài tập trận diễn ra trong các ngày 26-27/9, nhằm thể hiện tính cơ động nhanh chóng khi triển khai những khí tài này ở khu vực sườn đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đồng thời, cuộc tập trận này có cả sự góp mặt của Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến Na Uy (NASAMS) có trong biên chế của quân đội Tây Ban Nha”, thông cáo từ EUCOM và AFRICOM viết.
HIMARS là bệ phóng tên lửa hạng nhẹ, công nghệ cao được đặt trên khung gầm bánh lốp, nhẹ hơn, nhanh hơn và cơ động hơn trên chiến trường. Mỗi hệ thống HIMARS được vận hành với tổ đội ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227mm với tầm bắn 70-80km hoặc tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 300km.
Giới chức quân sự Nga-Anh tổ chức hội đàm
Tham mưu trưởng Quốc phòng Anh Tony Radakin cho biết, ông đã có cuộc hội đàm với Tùy viên quân sự Nga, Đại tá Maxim Elovik tại trụ sở Bộ Quốc phòng Anh ở London. “Hôm nay, tôi đã gặp gỡ Đại tá Maxim Elovik như một phần trong các nỗ lực để tăng cường nhiều kênh liên lạc quân sự giữa Nga và Anh, nhằm mục đích kiềm chế các nguy cơ và sự leo thang”, thông cáo của ông Radakin được Bộ Quốc phòng Anh đăng trên Twitter, viết.