Trong thông báo ngày 10/5, OGTSU cho biết họ không thể tiếp tục vận chuyển khí đốt qua một điểm kết nối và trạm nén nằm trong khu vực Lugansk, miền đông Ukraine, nơi đang xảy ra giao tranh dữ dội với các lực lượng Nga. Cụ thể, vì các nhân viên “không thể thực hiện việc kiểm soát vận hành và công nghệ” đối với điểm kết nối Sokhranovka và trạm nén Novopskov, nên không thể tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký với tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom.

Một trạm nén khí đốt của tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom. Ảnh: Reuters

OGTSU cho hay, khí đốt Nga từ tuyến kết nối trên bắt đầu không được chấp nhận vào hệ thống trung chuyển của Ukraine từ 7h sáng 11/5. Công ty dự kiến sẽ ngăn chặn thêm các hoạt động trung chuyển nhiên liệu nữa với lí do quân Nga đang kiểm soát lãnh thổ của Ukraine.

Theo các nhà khai thác, Sokhrankovka chiếm gần 1/3 lượng khí đốt của Nga vận chuyển qua Ukraine đến châu Âu, lên tới 32,6 triệu m3 mỗi ngày. 

Đài RT dẫn lời phát ngôn viên Gazprom Sergey Kupriyanov cho biết, tập đoàn này chưa nhận được báo cáo xác nhận về trường hợp bất khả kháng hoặc gián đoạn hoạt động tại Sokhranovka hoặc Novopskov hôm 10/5. Ông Kupriyanov nói thêm, các chuyên gia Ukraine đã có toàn quyền tiếp cận cả hai cơ sở và trước đây không có bất kỳ phàn nàn nào về điều này.

Mặc dù OGTSU đã đề xuất tái điều chỉnh đường dẫn khí đốt đến Sudzha, một điểm kết nối nằm trong vùng Sumy và do chính phủ Ukraine kiểm soát, nhưng ông Kupriyanov quả quyết điều này là “bất khả thi về mặt công nghệ”.

“Việc phân phối khối lượng khí đốt đã được nêu rõ ràng trong thỏa thuận hợp tác ngày 30/12/2019 và phía Ukraine cũng nhận thức được điều này", ông Kupriyanov lưu ý. Người phát ngôn nhấn mạnh, Gazprom đang hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của mình đối với các khách hàng châu Âu, trong đó tất cả các dịch vụ vận chuyển phù hợp với các điều khoản của hợp đồng và được thanh toán đầy đủ. 

Phía Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu, bao gồm cả quá cảnh qua Ukraine, bất kể chiến dịch tấn công quân sự của Moscow đang diễn ra và các lệnh cấm vận chống Nga do Mỹ và các đồng minh thuộc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt.

Tuấn Anh

Mười nước lặng lẽ mua khí đốt của Nga bằng đồng RúpTrong khi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu công khai tuyên bố sẽ không mua khí đốt của Nga bằng đồng Rúp như Tổng thống Putin yêu cầu thì 10 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện những gì Nga đòi hỏi.