Theo tờ Washington Post, một phân tích gần đây cho thấy các gói viện trợ khác nhau của Mỹ dành cho Kiev bao gồm khoản viện trợ quân sự trực tiếp trị giá 43 tỷ USD, đã biến Ukraine trở thành quốc gia nhận được khoản tài chính lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến thứ Hai.
“Đây là những con số nằm ngoài bảng xếp hạng”, ông Michael O’Hanlon tại tổ chức tư vấn Brookings Institution nói với Washington Post.
Theo ông O’Hanlon, sự hỗ trợ tài chính của Mỹ dành cho Ukraine có thể được so sánh về mặt lịch sử với Kế hoạch Marshall, gói viện trợ mà Washington dành cho Tây Âu sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc. Nếu tính theo lạm phát, Kế hoạch Marshall đã tài trợ cho các nỗ lực phục hồi sau chiến tranh với số tiền khoảng 150 tỷ USD trong hơn 3 năm.
Washington Post nhấn mạnh thêm, khoản hỗ trợ tài chính của Washington dành cho Ukraine còn vượt xa một số đối tác nước ngoài truyền thống của Mỹ. Cụ thể, Mỹ đã viện trợ 8,6 tỷ USD cho Israel trong năm 2022 và 2023. Trong cùng kỳ, Mỹ đã hỗ trợ cho Ai Cập và Jordan số tiền là 6,2 tỷ USD.
Tuy nhiên khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 18, một số dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev đã suy yếu. Tuy nhiên, ông O’Hanlon cho rằng, Mỹ có thể tiếp tục tài trợ cho Ukraine vô thời hạn.
Giới chức Nga đã nhiều lần cảnh báo việc chuyển giao các vũ khí hạng nặng, và hỗ trợ quân sự cho Ukraine đã biến các nước thành viên NATO trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine. Theo Moscow, sự ủng hộ của phương Tây cho Kiev sẽ không thể làm thay đổi kết quả của cuộc xung đột.