Theo hãng tin Sputnik và Mehrnews, đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Ukraine thừa nhận có liên quan tới vụ tấn công cầu Crưm. Trước đây, chính quyền Kiev luôn từ chối nhận trách nhiệm về vụ tấn công cây cầu dài nhất ở châu Âu, nối Bán đảo Crưm với vùng Krasnodar của Nga vào 8/10/2022. Crưm sáp nhập với Nga vào tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Cây cầu được Tổng thống Vladimir Putin khánh thành vào tháng 5/2018.
Trong vụ tấn công diễn ra vào năm ngoái, một xe tải đã bị nổ tung trên cầu Crưm, khiến hai nhịp cầu đường bộ bị sập xuống biển. Bảy thùng nhiên liệu của đoàn tàu chở hàng trên đoạn đường ray liền kề bốc cháy. Vụ nổ cũng làm 3 người thiệt mạng. Tổng thống Nga gọi vụ nổ trên cầu Crưm là tấn công khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự.
Vào thời điểm đó, cố vấn của Tổng thống Ukraine là ông Mykhailo Podolyak từng ám chỉ rằng vụ tấn công cầu chỉ là bước khởi đầu, và rằng mọi thứ bất hợp pháp phải bị phá hủy, những thứ gì bị lấy đi phải trả lại cho Ukraine.
Cầu Crưm, gồm một phần dành cho đường sắt và một phần dành cho đường bộ, đi vào hoạt động đầy đủ năm 2020. Cây cầu có ý nghĩa biểu tượng lớn với Nga đồng thời là tuyến đường cung cấp hậu cần quan trọng cho các lực lượng Nga ở Crưm và khu vực phía nam Ukraine mà Nga đang kiểm soát.