Trong một bài báo mới đăng tải, Military Watch Magazine ước tính, quân Nga đã phá hủy gần 20 xe tăng trong tổng số 31 chiếc Abrams M1 của Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Dựa trên các video đăng tải trên kênh Telegram của Nga, một chiếc Abrams M1 gần đây đã nổ tung ở vùng biên giới Kursk của Nga. Tạp chí quân sự nhận định, đây dường như là chiếc xe tăng Mỹ đầu tiên Kiev bị mất trong chiến dịch đột kích vào lãnh thổ nước láng giềng.
Theo Military Watch Magazine, Abrams M1 được quảng cáo sở hữu "lớp giáp phản ứng nổ cải tiến đáng kể" vì Ukraine đã thực hiện các bước để tăng cường khả năng bảo vệ cho xe tăng "đặc biệt sau khi chúng bị hư hại nặng nề trong các cuộc giao tranh với lực lượng Moscow giai đoạn từ tháng 2 – 4/2024”. Tuy nhiên, mẫu xe tăng này vẫn không thể chịu được một quả đạn từ hệ thống tên lửa chống tăng di động, có khả năng là Kornet như các video được chia sẻ trên mạng.
Cũng theo tạp chí, các binh sĩ Ukraine vận hành Abrams M1 trước đây từng phàn nàn với truyền thông phương Tây về "các vấn đề kỹ thuật, bao gồm cả khả năng dễ bị ngưng tụ của các thành phần điện tử và dễ bị hỏa lực của Nga tấn công". Kiev được cho đang nắm trong tay số lượng xe tăng ít ỏi, chỉ gồm các mẫu Abrams M1, Leopard 2 do Đức chế tạo, Challenger 2 do Anh sản xuất và mẫu T-80 từ thời Liên Xô cũ.
Quân đội Ukraine hiện vẫn chưa lên tiếng bình luận về các thông tin trên.
Kiev bác tin bí mật đàm phán với Moscow
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TSN ngày 24/8, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko đã thẳng thừng bác bỏ những thông tin cho rằng Kiev đang đàm phán với Moscow thông qua các bên trung gian nhằm chấm dứt những vụ tập kích của quân Nga vào hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước ông.
Ông Halushchenko đồng thời tiết lộ, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về an ninh năng lượng - điểm thứ 3 trong Kế hoạch hòa bình do Ukraine đề xuất, đã diễn ra vào ngày 22/8 với sự tham dự của hơn 40 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế.
"Chúng tôi đã thông qua một thông cáo chung cho hội nghị thượng đỉnh này ... Quan điểm chính trong thông cáo là, ngoài việc xây dựng lại hệ thống năng lượng của Ukraine, sẽ không có thêm cuộc tấn công nào vào hệ thống năng lượng. Văn kiện nêu rõ, các vụ tập kích vào lưới điện dân sự là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế và vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. Mọi người đều ủng hộ quan điểm này", ông Halushchenko cho hay.
Quan chức này lưu ý, thông cáo có thể được gửi cho Nga và một số quốc gia có thể đóng vai trò là trung gian trong quá trình này.