Trang Asia Times mới đây đã đăng tải bài phân tích của ông Matthew Sussex, Phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia, về chiến dịch đột kích của Ukraine tại vùng Kursk.
Theo ông Sussex, việc Ukraine bất ngờ tiến vào vùng biên giới Kursk có thể xem như một bước đột phá về mặt chiến thuật, và đem lại nhiều lợi thế cho Kiev.
"Trong thời gian qua, người dân Ukraine đã phải làm quen với những thông tin ảm đạm từ tiền tuyến. Nhưng chiến dịch Kursk đã thay đổi tất cả. Lực lượng Ukraine đã thành công chuyển trọng tâm xung đột tới lãnh thổ Nga, và truyền thông Ukraine đang liên tục đưa tin về khu vực này", ông Sussex cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, phía Ukraine đã kiểm soát hơn 90 khu định cư và hơn 1.250 km2 lãnh thổ, đồng thời tuyên bố thành lập chính quyền quân sự ở vùng Kursk. Những thông tin này là cú hích rất lớn về mặt tinh thần cho binh lính Ukraine, những người đã có dấu hiệu rệu rã vì cuộc xung đột kéo dài.
Về mặt chiến thuật, quân đội Ukraine đã tập trung vào việc giành quyền kiểm soát các khu định cư như Sudzha - nơi tập trung hệ thống đường sắt và đường ống khí đốt quan trọng của Nga. Chiến lược này khiến Moscow gặp khó khăn trong việc viện trợ cho tiền tuyến, buộc phải điều động thêm lực lượng để bảo vệ biên giới, qua đó giảm bớt sức ép cho lực lượng Ukraine tại Donetsk và nhiều mặt trận khác.
Ngoài một diện tích lãnh thổ đáng kể, Ukraine cũng bắt giữ thêm nhiều tù binh ở Kursk. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng việc có một lượng lớn tù binh sẽ làm Kiev có lợi thế hơn trong các cuộc đàm phán, và có thể giúp Ukraine bổ sung lại lực lượng thông qua việc trao đổi. Ngoài ra, đợt tập kích ở Kursk cũng gửi tới Moscow một thông điệp rõ ràng: chiến dịch quân sự đặc biệt mang lại hậu quả cho chính Nga.
Ngoài Moscow, Kiev cũng muốn thể hiện cho Washington và phương Tây thấy rằng họ đủ năng lực để đem lại những kết quả thuận lợi trên tiền tuyến. Đây là điều vô cùng quan trọng khi sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine có thể bị ảnh hưởng bởi kết quả bầu cử Tổng thống sắp tới.
Về mặt chính trị, ông Sussex cho rằng chiến dịch ở Kursk đã giúp Kiev tạo áp lực ngược lại cho Tổng thống Vladimir Putin và các tướng lĩnh của Nga. Việc Moscow phản ứng chậm trước cuộc đột kích của Ukraine đã cho thấy một số vấn đề của quân đội Nga, dù Điện Kremlin sau đó đã có những động thái mạnh nhằm đẩy lùi đối thủ ra khỏi Kursk.
"Chính phủ Nga sẽ phải đối mặt với một số kịch bản vì chiến dịch biên giới của Ukraine. Đầu tiên là việc Moscow đã không thể đảm bảo an toàn cho lãnh thổ của mình, điều này có thể khiến dư luận bất bình. Kịch bản thứ hai tích cực hơn, khi đây có thể trở thành động lực để đoàn kết dân tộc và gia tăng sự ủng hộ với Điện Kremlin. Viễn cảnh thứ ba là sự ổn định, những ý kiến phẫn nộ được khống chế ở Kursk và không ảnh hưởng tới các trung tâm chính trị như Moscow hay St. Petersburg", ông Sussex nhận định.