Trong báo cáo cập nhật tình hình chiến sự ngày 3/5, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, binh lính nước này cũng triệt hạ 7 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của quân Nga. Họ quả quyết hiện có các dấu hiệu cho thấy người Nga đang phải lấy khí tài cất trữ trong kho để bổ sung cho các đơn vị.
"Theo các thông tin sẵn có, 17 xe tăng và 60 xe chiến đấu bộ binh BMP-1 đã được lấy khỏi kho ở thành phố Bohuchar, vùng Voronezh (Nga) trong khoảng thời gian từ 27/4 - 2/5. Chúng được gửi tới các vùng lãnh thổ của Ukraine tạm thời đang do binh lính Nga nắm giữ", trích tuyên bố của nhà chức trách Ukraine.
Cũng theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, quân Nga vẫn tiếp tục các đợt tập kích từ hướng Izium và các nỗ lực nhằm thâu tóm hoàn toàn quyền kiểm soát hai thị trấn Rubizhne và Popasna xa hơn về phía đông. Họ nói, sự kháng cự đang gia tăng ở những khu vực bị quân Nga chiếm đóng.
Tại Luhansk, Serhiy Hayday, người đứng đầu chính quyền quân sự của vùng này cho biết, các vụ pháo kích của Nga suốt nhiều tuần qua đã tàn phá hoặc gây hư hại cho các ngôi nhà ở nhiều thị trấn, kể cả Severodonetsk, Hirske và Orikhove. Ông Hayday không tiết lộ số người thương vong trong các sự cố.
Tại Donetsk, chính quyền địa phương nói 3 người thiệt mạng trong các vụ oanh tạc của các lực lượng Moscow vào thị tấn Vuhleda.
Ở mặt trận miền nam, nhà chức trách vùng Zaporizhzhia cho hay, giao tranh vẫn tiếp tục, đặc biệt quanh thị trấn Hulyaipole. Các đơn vị Nga đã cố gắng xuyên thủng hàng rào phòng ngự tại đây nhằm giúp họ tiến gần hơn đến thủ phủ của vùng.
CNN cho biết chưa thể xác minh độc lập các tuyên bố trên.
Nga cáo buộc Israel hậu thuẫn "phát xít" ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 3/5 cáo buộc Israel ủng hộ "những kẻ phát xít mới" ở Ukraine, động thái làm leo thang hơn nữa những tranh cãi bùng phát trước đó khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố trùm phát xít Adolf Hitler là người gốc Do Thái.
Reuters đưa tin, Chính phủ Israel ngày 2/5 đã chỉ trích phát biểu của ông Lavrov, vốn được đưa ra khi lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga đề cập tới việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là người Do Thái trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Italia, là sự dối trá "không thể tha thứ" và làm giảm đi mức độ khủng khiếp của nạn diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc xã gây ra.
Lãnh đạo của nhiều quốc gia phương Tây cũng lên án phát biểu của ông Lavrov, trong khi ông Zelensky cáo buộc Nga đã quên các bài học về Thế chiến hai.
Ngược lại, Bộ ngoại giao Nga tái khẳng định quan điểm của ông Lavrov không loại trừ việc nước láng giềng "đang nằm dưới sự điều hành của những kẻ theo chủ nghĩa tân phát xít".
Israel đã bày tỏ sự ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột quân sự với Nga. Song, do lo ngại làm tổn hại quan hệ song phương với Moscow, một trung gian hòa giải ở nước láng giềng Syria, chính phủ Israel ban đầu tránh lên án trực tiếp Moscow và không thực thi các biện pháp trừng phạt chính thức đối với các nhà tài phiệt Nga.
Tuy nhiên, mối quan hệ Nga - Israel ngày càng trở nên căng thẳng sau khi Ngoại trưởng Israel Yair Lapid tháng trước cáo buộc các lực lượng Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Cho đến nay, Moscow vẫn bác bỏ những cáo buộc về việc họ đã có những hành động sai trái trong chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.
Giáo hoàng muốn đi Moscow gặp ông Putin
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Corriere Della Sera của Italia ngày 3/5, Giáo hoàng Francis tiết lộ, khoảng 3 tuần sau khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự sang Ukraine, ông đã cử một nhà ngoại giao hàng đầu Vatican chuyển thông điệp đề nghị tổ chức một cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow nhằm chấm dứt cuộc chiến. Song, cho đến nay, ông vẫn chưa nhận được hồi đáp từ Điện Kremlin.
Theo Reuters, giáo hoàng từng có chuyến công du chưa từng có đến Đại sứ quán Nga khi chiến sự mới bùng phát. Trước cuộc phỏng vấn ngày 3/5, ông chưa từng đề cập cụ thể đến tên Nga hay ông Putin trong các phát biểu của mình về cuộc khủng hoảng, nhưng ông đã sử dụng các cụm từ "gây hấn và tiến đánh phi lý" cũng như lên án những hành động tàn bạo đối với dân thường.
Khi được hỏi về một chuyến công du tới thủ đô Kiev của Ukraine, giáo hoàng nói ông chưa muốn đến đó vào lúc này. "Trước tiên, tôi phải đến Moscow, tôi phải gặp ông Putin trước đã ... Tôi sẽ làm những gì mình có thể", ông nhấn mạnh.
Giáo hoàng nói thêm, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 21/4, quan chức này đã nói "người Nga có kế hoạch chấm dứt mọi thứ vào ngày 9/5", ám chỉ đến ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít trong Thế chiến hai của Nga.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định, lễ kỷ niệm này sẽ không liên quan đến các hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine.
Phương Tây tin ông Putin chính thức tuyên chiến với Ukraine vào ngày 9/5
CNN đưa tin, các quan chức Mỹ và các nước đồng minh cho rằng, Tổng thống Nga Putin có thể chính thức tuyên chiến với Ukraine vào ngày 9/5. Động thái được tin sẽ cho phép Điện Kremlin huy động toàn bộ lực lượng dự bị của Nga khi các nỗ lực tấn công nước láng giềng tiếp tục chững lại và khiến xứ sở bạch dương hứng chịu nhiều tổn thất về nhân lực.
Phương Tây và các quan chức Ukraine ước tính, ít nhất 10.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong hơn 2 tháng xung đột vừa qua.
Giới chức phương Tây từ lâu nhận định, ông Putin sẽ tận dụng ý nghĩa biểu tượng và giá trị tuyên truyền của ngày 9/5 để công bố một thành tựu về quân sự ở Ukraine, một sự leo thang lớn về xung đột hoặc cả hai.
Tuấn Anh