Reuters dẫn lời phát ngôn viên Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk cho biết, tàu Kommuna của quân đội Nga đã bị tấn công ở vịnh Sevastopol vào sáng 21/4 và "rõ ràng là con tàu hiện không còn ở trạng thái sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ".
Theo một bài đăng trên kênh Telegram của Các lực lượng vũ trang Ukraine, Kommuna là một trong những con tàu lâu đời nhất do Hải quân Nga vận hành và được hạ thủy vào năm 1913. Con tàu này từng được điều động tham gia chiến dịch cứu hộ khi quân Kiev đánh chìm kỳ soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga vào tháng 4/2022.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi sự thành công của quân đội nước này trong việc tập kích và ngăn chặn hạm đội đóng tại Crưm của Nga trong suốt cuộc xung đột kéo dài gần 26 tháng qua giữa hai nước. Bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga năm 2014.
Ông Pletenchuk hồi đầu tháng này từng tuyên bố, các hoạt động của binh lính Ukraine đã khiến khoảng 1/3 Hạm đội Biển Đen của Nga phải ngừng hoạt động kể từ khi xung đột giữa hai bên bùng phát cuối tháng 2/2022.
Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev trước đó thông tin, quân Nga đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm nhằm vào một trong các tàu của họ tại cảng. Quan chức này lưu ý, những mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống gây ra một đám cháy nhỏ nhưng đã được dập tắt kịp thời.
Các hãng thông tấn quốc tế thừa nhận không thể xác minh độc lập những phát biểu trên.
Elon Musk lo thiếu chiến lược thoát xung đột
Cùng ngày, tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk, tổng giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX đề xuất các bên liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine cần tìm ra những cách thức để chấm dứt nó.
Trong thông điệp hồi đáp bài đăng của tỷ phú đồng hương David Sachs có nội dung bình luận về việc Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ mới, trị giá 61 tỷ USD cho Kiev, ông Musk viết: “Mối quan ngại lớn nhất của tôi là không có chiến lược rút lui, khiến tất cả chỉ là một cuộc xung đột mãi mãi, nơi những đứa trẻ thiệt mạng trong chiến hào vì pháo binh hoặc súng máy và những tay súng bắn tỉa qua bãi mìn”.
Ông Musk không nêu rõ quan điểm của mình đối với dự luật viện trợ lần này. Song, hồi cuối tháng 3, ông từng lưu ý nó “cần phụ thuộc vào việc tính toán hợp lý cách sử dụng nguồn tài trợ và kế hoạch giải quyết xung đột”.
Theo đài RT, hồi tháng 2, ông Musk thậm chí kêu gọi Mỹ nên ngừng hoàn toàn hỗ trợ Ukraine vì “không đời nào” Nga sẽ thua trong xung đột. Tháng trước, vị tỷ phú này cũng cảnh báo “câu hỏi thực sự” trong xung đột hiện nằm ở việc Kiev sẽ mất bao nhiêu lãnh thổ trước khi đồng ý ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với Moscow.
Nga đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng thương lượng nếu Ukraine chấp nhận “thực tế trên thực địa”. Moscow cũng khuyến cáo các chuyến hàng viện trợ và vũ khí của phương Tây tới Ukraine chỉ làm trầm trọng thêm và kéo dài cuộc xung đột.