Theo RT, trong ngày 18/11, ông Mikhail Podoliak, trợ lý của Tổng thống Ukraine, tiết lộ rằng tốc độ chuyển giao vũ khí của phương Tây đang chậm hơn so với kỳ vọng rất nhiều. Điều này sẽ cho phép Nga có đủ thời gian để chuẩn bị và họ sẽ có khả năng phòng thủ tốt hơn khi vũ khí được giao tới cho Ukraine.
"Rất nhiều loại vũ khí được phương Tây hứa hẹn sẽ bàn giao trong 7-10 ngày. Tuy vậy, quá trình vận chuyển thực tế mất từ 90-120 ngày", ông Podoliak nói.
Trong bình luận của mình, ông Podoliak cũng thừa nhận rằng chiến dịch phản công của Ukraine "đang không diễn ra ở tốc độ mà Kiev mong muốn".
Nguồn tin của tờ Wall Street Journal cho biết, các quan chức phương Tây mới đây đã tiết lộ rằng, chưa hệ thống vũ khí nào chuyển tới Ukraine có thể tạo ra khác biệt mang tính chiến lược trên tiền tuyến. Trong khi đó, tốc độ sản xuất vũ khí của phương Tây chưa thể sánh kịp với Nga.
Với việc ngân sách viện trợ cho Ukraine của Mỹ sắp cạn, Liên minh châu Âu đang cố gắng tìm cách trám lỗ hổng mà Washington để lại. Vào đầu tháng 11, Đức đã đồng ý tăng gấp đôi mức hỗ trợ cho Ukraine vào năm 2024, lên hơn 8 tỷ USD.
Ukraine và Đức đàm phán đảm bảo an ninh
Theo The New Voice of Ukraine, Đức và Ukraine đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên về bảo đảm an ninh song phương trong ngày 18/11. Tại cuộc đàm phán, phái đoàn hai nước đã trao đổi về hình thức và nội dung của các phương án đảm bảo an ninh trong tương lai, đồng thời nhất trí về một loạt các bước tiếp theo.
"Đức là một trong những quốc gia viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo lớn nhất với Ukraine. Vì lẽ đó, việc đàm phán an ninh song phương với Đức có ý nghĩa quan trọng", ông Ihor Zhovkva, người dẫn đầu phái đoàn Ukraine cho biết.
Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận rằng, Kiev cũng đã bắt đầu đàm phán đảm bảo an ninh với 5 thành viên khác của G7.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Moscow và Kiev đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. "Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực phòng thủ của Ukraine cho tới khi còn cần thiết", Thủ tướng Scholz nói thêm.