Theo Pravda, trong ngày 11/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng, ông sẵn sàng "trao đổi lãnh thổ với Nga", nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thuyết phục cả Kiev lẫn Moscow ngồi vào bàn đàm phán.

"Chúng tôi sẽ trao đổi các khu vực đang nắm giữ ở Kursk để lấy phần lãnh thổ bị Nga kiểm soát. Chúng tôi sẽ trao đổi theo từng khu vực, tôi không ưu tiên bất kỳ vùng lãnh thổ nào, tất cả đều quan trọng", ông Zelensky cho biết.

Các báo cáo gần đây cho biết, Ukraine ban đầu kiểm soát được 1.300km2 lãnh thổ ở Kursk, nhưng hiện chỉ còn giữ được khoảng 500km2. Tuy vậy, ông Zelensky vẫn khẳng định việc Kiev kiểm soát một phần lãnh thổ Nga sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán.

GjQfIqbWYAE3e92.jpg
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: X/@ZelenskyyUa

Ở chiều ngược lại, Nga đã lên tiếng bác bỏ ý tưởng của Tổng thống Zelensky.

"Đề xuất trao đổi của ông Zelensky là cách để đánh lạc hướng dư luận khỏi thực trạng bi thảm của lực lượng Ukraine tại Kursk", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.

Mỹ phủ nhận khả năng đưa quân tới Ukraine

Theo Kyiv Independent, trong ngày 11/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói rằng Washington đang đánh giá lại kế hoạch triển khai binh lính trên toàn cầu, nhưng sẽ không gửi quân đến Ukraine.

"Chúng tôi sẽ không đưa binh lính tới Ukraine. Tôi hy vọng Tổng thống Trump sẽ nhanh chóng thiết lập một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine. Chỉ tới khi đó, chúng ta mới có thể thảo luận kỹ càng hơn", ông Hegseth cho biết.

Bình luận của Bộ trưởng Hegseth được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia phương Tây đang thảo luận về khả năng triển khai lực lượng giữ gìn hòa bình tới Ukraine.