Reuters dẫn lời nhà chức trách Ukraine thống kê nhiều người bị thương vong khi một tên lửa hôm 19/8 rơi trúng quảng trường trung tâm thành phố Chernihiv, cách thủ đô Kiev khoảng 145km về phía bắc.
Hiện trường vụ tên lửa rơi trúng thành phố Chernihiv ngày 19/8. Ảnh: Reuters, Teh Guardian
Theo Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko, trong số những người bị thương có 15 cảnh sát. Hầu hết các nạn nhân đều đang ở trong xe hơi, băng qua đường hoặc từ nhà thờ trở về.
Thống đốc vùng Chernihiv Viacheslav Chaus thông tin thêm, 41 người đang điều trị trong bệnh viện.
Trong thông điệp công bố sáng sớm nay (20/8) cuối chuyến công du Thụy Điển, ông Zelensky đổ lỗi cho Nga vì sự cố, đồng thời cảnh báo quân đội Ukraine sẽ trả đũa.
Moscow chưa lên tiếng phản hồi trước các cáo buộc của Kiev.
Mỹ thừa nhận bỏ lỡ cơ hội hòa giải Nga - Ukraine
Tờ Politico trích dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết, họ có thể “đã bỏ lỡ cánh cửa thúc đẩy đàm phán" giữa Nga và Ukraine. Các quan chức này cũng thừa nhận, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ “có lý” khi nhận xét bi quan về cơ hội chiến thắng của Kiev hồi năm ngoái.
Theo đài RT, ông Milley từng tuyên bố ở New York hồi tháng 11/2022 rằng, Ukraine khó có khả năng giành chiến thắng quân sự và Kiev có thể tận dụng thời gian tạm ngừng giao tranh vào mùa đông để ngồi vào bàn thương lượng với Moscow, tránh thêm bất kỳ tổn thất nào.
Phát biểu của vị tướng hàng đầu Mỹ đã khiến Kiev phẫn nộ và gây hoang trong Nhà Trắng. Washington được cho đã vội vã trấn an giới lãnh đạo Ukraine rằng, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các mục tiêu của Tổng thống Zelensky, bao gồm cả việc giành lại quyền kiểm soát Crưm, bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014.
Theo một quan chức ẩn danh, Washington bị chia rẽ về khả năng tổ chức các cuộc đàm phán giữa Moscow – Kiev. Tướng Milley tiếp tục ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho xung đột.
Kiev đã bác bỏ việc đối thoại với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, Moscow sẽ không đàm phán với ông Zelensky, mà muốn trực tiếp thương lượng với phương Tây.
Điện Kremlin cũng quả quyết, bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào cũng sẽ phải công nhận “thực tế lãnh thổ mới”, ám chỉ 4 vùng mới sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia sẽ không trở lại dưới quyền quản lý của Kiev.