“Đã quá muộn để di tản hàng nghìn người dân khỏi thành phố Severodonetsk đang bị quân Nga bao vây ba mặt. Severodonetsk và nhiều thị trấn, làng mạc nằm ở phía tây đã bị pháo kích liên tục trong những ngày gần đây. Ở thời điểm này tôi sẽ không kêu gọi người dân ra khỏi nhà và đi di tản. Thay vào đó, tôi sẽ nói người dân nên ở trong hầm trú ẩn”, hãng tin The Guardian dẫn lời cảnh báo của ông Haidai.
“Các cuộc pháo kích sẽ không cho chúng tôi sự điềm tĩnh để tụ tập nhân lực và tới với người dân. Quân đội Nga đang tập trung vào các nỗ lực siết chặt vòng vây ở hai thành phố Severodonetsk và Lysychansk. Với sự yểm trợ từ pháo binh, họ đang tiến hành các cuộc tấn công theo các hướng Toshkivka và Ustynivka nằm gần Lysychansk”, ông Haidai viết thêm.
Theo ông Haidai, tình hình đang dần tồi tệ hơn khi “các cuộc pháo kích ngày càng tăng lên, và quân đội Nga đã quyết định phá hủy hoàn toàn thành phố chiến lược Severodonetsk”.
The Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gần đây nhận định rằng, vẫn còn khoảng 15.000 người dân ở Severodonetsk chưa được đưa đi di tản và đang phải cư trú trong các hầm trú ẩn được bố trí khắp thành phố này.
Mỹ và đồng minh chuyển thêm vũ khí cho Kiev
“Gần 50 nhà lãnh đạo quân sự trên khắp thế giới đã họp trực tuyến vào hôm 23/5, và nhất trí gửi thêm nhiều vũ khí tiên tiến tới Ukraine, bao gồm cả bệ phóng và tên lửa chống hạm Harpoon, để giúp họ bảo vệ đường bờ biển”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với hãng tin AP hôm 24/5.
“Chúng tôi đã hiểu rõ hơn và có ‘chung cảm nhận’ về các yêu cầu ưu tiên của Ukraine, cũng như tình hình trên chiến trường. Nhiều quốc gia đang đóng góp đạn dược pháo binh, các hệ thống phòng thủ bờ biển, xe tăng cùng các loại xe bọc thép khác, trong khi một số nước khác lại đưa ra những cam kết về huấn luyện cho binh sĩ Ukraine”, ông Austin nói thêm.
Theo ông Austin, Cộng hòa Czech gần đây đã gửi nhiều trực thăng tấn công, xe tăng và tên lửa cho Ukraine, trong khi một số quốc gia khác như Italia, Hy Lạp, Na Uy và Ba Lan hôm 23/5 đã công bố các gói hỗ trợ về những hệ thống pháo binh và đạn dược.
“Cũng trong cuộc họp trực tuyến, giới chức Ukraine đã nêu rõ các nhu cầu an ninh của họ. Những nhu cầu đó đã được xác nhận trong những tuần gần đây, với các hệ thống pháo binh tầm xa hay tên lửa, các xe bọc thép chở quân và máy bay không người lái”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Hungary phản đối thảo luận về lệnh cấm nhập dầu Nga
“Có vẻ như không có giải pháp nào sẽ được đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào tuần tới, và các nhà lãnh đạo không nên bàn về vấn đề này trong cuộc gặp”, tờ The Guardian trích một đoạn trong bức thư của Thủ tướng Hungary Viktor Orban gần đây gửi cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
“Tôi đã được thuyết phục rằng, việc thảo luận về gói trừng phạt dầu Nga trong trường hợp không có được sự đồng thuận sẽ bị phản tác dụng. Bởi điều này sẽ làm vấn đề chia rẽ trong nội bộ trầm trọng, mà không đưa ra cơ hội mang tính thực tế để giải quyết vấn đề”, bức thư viết thêm.
Dù vậy, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen gần đây tuyên bố rằng, việc EU nhất trí về một lệnh trừng phạt dầu nhập khẩu từ Nga sẽ chỉ là vấn đề trong “vài tuần tới”.
“Chúng tôi hiện đang nỗ lực về lệnh trừng phạt, và nó chỉ là vấn đề trong vài tuần tới. Nhưng chúng tôi thực sự phải tìm ra giải pháp cho những nhu cầu đầu tư. Chúng tôi cần điều chỉnh sao cho phù hợp để tránh việc Nga không bán dầu cho châu Âu, nhưng sau đó lại bán ở mức giá cao hơn trên thị trường thế giới”, bà Von der Leyen nói.
Châu Âu tố Nga ‘vũ khí hóa’ lương thực
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen hôm 24/5 đã lên tiếng tố cáo quân đội Nga cố tính bắn phá nhiều kho ngũ cốc nằm rải rác khắp Ukraine, cũng như đang ‘vũ khí hóa’ việc cung ứng lương thực.
“Khoảng 20 triệu tấn lúa mì đang bị mắc kẹt ở Ukraine. Trên hết, hiện Nga đang tích trữ nguồn lương thực xuất khẩu của họ như một hình thức ‘tống tiền’, tức làm kìm hãm nguồn cung ứng để giá lương thực toàn câu tăng lên, hoặc dùng lúa mì để đổi lấy sự ủng hộ về chính trị. Đây là phương thức dùng cái đói và ngũ cốc để nắm giữ quyền lực”, bà Von der Leyen nói với hãng tin AP.
“Các quốc gia có dân số dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giá bánh mì ở Lebanon đã tăng thêm 70%, trong khi các chuyến hàng chở lương thực từ thành phố cảng Odessa của Ukraine bị chặn đường tới Somalia”, bà Von der Leyen nói thêm.
Hiện phía Nga chưa đưa ra bình luận về các tuyên bố trên của Chủ tịch EC.
Tuấn Trần