Bộ Ngoại giao Ukraine hôm 11/3 đã triệu tập Đại sứ Vatican tại nước này tới để bày tỏ sự thất vọng trước phát biểu gây tranh cãi của Giáo hoàng Francis trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh và truyền hình RSI của Thụy Sỹ. Theo Reuters, Giáo hoàng cho rằng, khi mọi chuyện không diễn ra tốt đẹp, “bên mạnh nhất là bên nhìn vào tình hình, nghĩ đến người dân và có lòng dũng cảm giương cờ trắng và đàm phán”.
Bộ Ngoại giao Ukraine cáo buộc phát biểu của Giáo hoàng đã "hợp pháp hóa quyền của kẻ mạnh và khuyến khích coi thường hơn nữa các quy tắc của luật pháp quốc tế".
Nhà chức trách Ukraine giải thích, nước này muốn hòa bình, nhưng đó phải là nền hòa bình công bằng, dựa trên các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc và kế hoạch do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất.
Kế hoạch hòa bình của ông Zelensky yêu cầu Nga rút hết quân khỏi Ukraine, quay trở lại mốc phân chia biên giới năm 1991 và tiến hành thủ tục pháp lý để buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng. Nga phản bác rằng họ không thể tổ chức bất kỳ cuộc đối thoại nào dưới tiền đề như vậy.
Ông Zelensky hôm 10/3 cáo buộc Giáo hoàng đang có hành động "hòa giải ảo", trong khi Ngoại trưởng Ukraine khẳng định Kiev sẽ không bao giờ đầu hàng.
Trong bối cảnh phương Tây đang vật lộn với việc làm thế nào để hỗ trợ Ukraine và chuẩn bị cho viễn cảnh thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Mỹ nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong tổng tuyển cử vào tháng 11 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin về cơ bản đã đề nghị đóng băng xung đột dọc theo tiền tuyến hiện tại ở nước láng giềng. Song, Kiev đã bác bỏ đề nghị này.
“Thật dễ hiểu khi Giáo hoàng phát biểu ủng hộ các cuộc đàm phán. Tổng thống Putin đã nhiều lần nói Moscow sẵn sàng hòa đàm. Thật không may, cả phát biểu của Giáo hoàng và những tuyên bố lặp đi lặp lại của các bên khác, bao gồm cả chúng tôi, gần đây đều vấp phải những lời từ chối rất gay gắt”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov chia sẻ với các phóng viên hôm 11/3.
Ông Peskov lưu ý, hy vọng của phương Tây về việc gây ra "thất bại chiến lược" cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine là "quan niệm sai lầm nghiêm trọng nhất". Người phát ngôn nói thêm, diễn biến của các sự kiện, chủ yếu trên tiền tuyến là “bằng chứng rõ ràng nhất cho điều này".
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg quả quyết, các cuộc thương lượng nhằm đảm bảo Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và độc lập sẽ chỉ diễn ra khi Moscow nhận ra họ sẽ không giành chiến thắng trên tiền tuyến.
“Nếu chúng ta muốn một giải pháp hòa bình lâu dài, qua thương lượng, thì cách để đạt được điều đó là cung cấp trợ giúp quân sự cho Ukraine. Đây không phải là lúc để đề cập đến việc người Ukraine đầu hàng. Đó sẽ là một thảm kịch đối với người Ukraine và cũng là hiểm họa cho tất cả chúng ta”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.