Theo hãng tin Reuters, sau nhiều ngày từ chối công bố chi tiết về cuộc phản công mới, giới chức Ukraine đã đăng lên mạng hình ảnh ba binh sĩ đang giương cờ ở một thị trấn tại tỉnh Kherson, khu vực miền nam mà Nga kiểm soát từ những ngày đầu tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Hình ảnh lá cờ được cố định trên một chiếc cột trên mái nhà, được cho là ở Vysokopyllya, phía bắc Kherson, đã được công bố khi Tổng thống Volodymyr Zelenskyi tuyên bố, các lực lượng Ukraine đã giành lại hai thị trấn ở phía nam và một ở phía đông. Tuy nhiên, trong bài phát biểu đêm qua, ông không nêu rõ các vị trí mà quân Ukraine giành lại quyền kiểm soát.
Sau nhiều tháng hứng chịu các cuộc nã pháo của Nga ở phía đông, cuối cùng Ukraine đã bắt đầu cuộc phản công, đó là cuộc phản công lớn nhất kể từ khi Ukraine đẩy được quân Nga khỏi ngoại ô Kiev hồi tháng 3. Trong thời gian qua, Ukraine đã giấu kín hầu hết các thông tin về chiến dịch phản công, cấm các nhà báo ra tiền tuyến và hạn chế đưa ra bình luận công khai nhằm bảo đảm bất ngờ về mặt chiến thuật.
Phía Nga đã có một thừa nhận hiếm hoi rằng cuộc phản công của Ukraine đã làm hỏng kế hoạch của Moscow tại Kherson. Hãng tin Itar-Tass dẫn lời một quan chức do Nga bổ nhiệm ở Kherson nói, kế hoạch trưng cầu dân ý sáp nhập khu vực này vào Nga đã bị tạm dừng do tình hình an ninh.
Mark Hertling, một cựu chỉ huy bộ binh Mỹ tại châu Âu nói, mục đích của Kiev dường như là giữ chân hàng nghìn quân Nga ở bờ đông của sông Dnipro, phá hủy các cây cầu mà Nga đang dùng để tiếp tế và rút lui. Theo chỉ huy này, "Nga để lại một lực lượng ở Kherson, với một con sông ở phía sau lưng và đường tiếp tế hạn chế. Ngoài ra, Ukraine đang tấn công quân Nga bằng vũ khí chính xác, khiến lực lượng này hoang mang trong khi họ đã nhụt chí".
Tổng thống Nga chỉ ra sai lầm của EU
Hôm nay (5/9) phát biểu tại một diễn đàn môi trường ở Kamchatka, vùng Viễn Đông của Nga, Tổng thống Putin nói, việc châu Âu cắt giảm nhập khẩu khí tự nhiên trong khi cố đạt các mục tiêu khí hậu là một sai lầm.
Người đứng đầu nước Nga nhấn mạnh, tất cả các nước đều ủng hộ giảm phát thải vào khí quyển song ông lưu ý rằng moi việc cần được thực hiện đúng lúc. "Ban đầu, Liên minh châu Âu đặt mục tiêu trước rồi mua khí đốt giá rẻ của Nga, sau đó lại tự mình cắt giảm nguồn cung và ngay lập tức quay lại tất cả những thứ trước đây đã lên án, gồm cả sản xuất nhiệt điện than. Tất nhiên, đó không phải là lựa chọn tốt để giải quyết các vấn đề toàn cầu".
Theo kế hoạch REPowerEU, được công bố hồi tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) dự định loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 và tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo của mình. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt, có thể dẫn tới thảm họa năng lượng trong mùa đông này và điều đó buộc một số nước phải mở rộng việc sử dụng điện hạt nhân, tái khởi động nhà máy than.
Kremlin hôm nay cũng cảnh báo, Nga sẽ không nối lại việc cung cấp khí đốt cho châu Âu chừng nào các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga chưa được dỡ bỏ.
EU đang cạn kiệt vũ khí
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cảnh báo, EU đang cạn kiệt nguồn vũ khí dự trữ khi các nước thành viên tiếp tục gửi vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Trong một cuộc tranh luận với các nhà lập pháp châu Âu, ông Borrell kêu gọi các nước thành viên phối hợp tốt hơn trong việc chi tiêu cho quân sự.
"Kho dự trữ quân sự của hầu hết các quốc gia thành viên - tôi không muốn nói là cạn kiệt nhưng gần như đã rỗng, vì chúng ta đã cung cấp rất nhiều cho Ukraine. Các kho cần được làm đầy trở lại. Cách tốt nhất để tái nạp là làm điều đó cùng với nhau. Nó sẽ rẻ hơn".