Ông Zelensky công bố số liệu thống kê trên trong một bài phát biểu đêm 13/5, nhưng không đề cập đến việc các khu dân cư đó chính xác tạo thành bao nhiêu phần lãnh thổ của đất nước.
"Chúng tôi đã khôi phục các nguồn cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông và dịch vụ xã hội tại những khu dân cư được giải phóng", lãnh đạo Kiev nói thêm.
Theo CNN, ông Zelensky cũng khẳng định "việc giải phóng dần dần vùng Kharkiv" đã chứng minh Ukraine "sẽ không bỏ mặc bất kỳ ai cho kẻ thù".
Nga được tin có nguy cơ thua ở Kharkiv
Trong báo cáo đánh giá tình hình chiến sự mới nhất, tổ chức tư vấn Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) ở Mỹ tin, các lực lượng Kiev "nhiều khả năng giành chiến thắng trận chiến ở Kharkiv", thành phố lớn thứ 2 của Ukraine.
"Các lực lượng Ukraine đã ngăn chặn quân đội Nga bao vây, chưa nói đến việc chiếm giữ Kharkiv và sau đó trục xuất họ ra khỏi thành phố, giống như những gì họ đã làm đối với các lực lượng Nga từng cố gắng chiếm Kiev", trích nhận định của ISW.
Theo tổ chức nghiên cứu Mỹ, các đơn vị vũ trang Nga "nhìn chung không cố gắng bám trụ để chống lại các cuộc phản kích của người Ukraine trong nhiều ngày qua, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ". Những báo cáo từ các quan chức phương Tây cũng như một đoạn video từ một sĩ quan của nước cộng hòa Donetsk (DNR) tự xưng cho thấy, Moscow "đang tập trung tiến hành một cuộc rút quân có trật tự và ưu tiên đưa người Nga hồi hướng trước khi cho phép các lực lượng ủy nhiệm vào Nga thay vì cố gắng giữ các vị trí của họ gần thành phố".
ISW cũng cho rằng, Ukraine hiện có thể sẽ cố gắng làm gián đoạn các đường dây liên lạc mặt đất (GLOC) giữa Belgorod ở Nga và các lực lượng Moscow tập trung xung quanh Izyum, thành phố Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Theo tổ chức nghiên cứu, binh lính Nga “không đạt được tiến bộ nào” với một cuộc tấn công trên bộ từ Izyum. Trong khi đó, nỗ lực chính của quân Nga là nhằm bao vây các thành phố Severodonetsk và Lysychansk ở Luhansk.
"Binh lính Nga đang tấn công từ Popasna sang phía bắc và không đạt được tiến bộ nào đáng kể trong 24 giờ qua. Các lực lượng Nga tiến từ bắc xuống nam đã không vượt qua được sông Siverskyi Donets và hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng trong các nỗ lực của họ. Người Nga nhiều khả năng không có đủ sức mạnh chiến đấu mới để bù đắp những tổn thất đó và tiếp tục cuộc tấn công trên quy mô đủ lớn để hoàn thiện vòng vây, mặc dù họ có thể sẽ tiếp tục cố gắng làm như vậy", trích kết luận của ISW.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, ông không coi việc Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là "tích cực". Ông Erdogan cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu nói trên đang "dung chứa các tổ chức khủng bố người Kurd là PKK và DHKP-C".
Trước đó, Phần Lan đã lên kế hoạch nộp đơn xin gia nhập NATO và giới quan sát dự báo Thuỵ Điển sẽ “nối gót” theo sau. Nếu hai nước Bắc Âu này được kết nạp vào NATO, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu sẽ mở rộng về phía đông, đến sát biên giới Nga, điều Moscow cực lực phản đối.
Theo CNN, phản ứng trước thông tin trên, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho hay, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không gửi trực tiếp thông điệp như vậy đến Stockholm.
Vùng ly khai Gruzia tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập Nga
Anatoly Bibilov, lãnh đạo vùng ly khai Nam Ossetia thuộc Gruzia hôm 13/5 thông báo sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga vào ngày 17/7 tới.
Nam Ossetia là tâm điểm của cuộc chiến Nga - Gruzia năm 2008 sau khi Điện Kremlin công nhận độc lập của vùng đất này cũng như vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia.
Ông Bibilov đã thua trong nỗ lực tái tranh cử hồi đầu tháng 5. Giới chức Nga bày tỏ hy vọng người kế nhiệm ông - Alan Gagloev sẽ tiếp tục mối quan hệ với Moscow.
Thông báo được đưa ra vào ngày thứ 79 của chiến dịch tấn công quân sự của Nga ở Ukraine. Hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk, miền đông Ukraine cũng bày tỏ mong muốn được sáp nhập vào Nga.
Tuấn Anh