“Trong ngày 18/12, các đơn vị thuộc lực lượng phòng vệ Ukraine đã đẩy lui nhiều cuộc tấn công của Nga bên ngoài các khu dân cư Stelmakhivka, Makiivka, Chervonopopivka tại tỉnh Luhank và Bakhmutske, Pidhorodne, Bakhmut và Klishchiivka thuộc địa phận tỉnh Donetsk”, tờ Ukrinform dẫn thông cáo được Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine đăng trên Facebook, viết. 

Binh sĩ Ukraine tác chiến với pháo M777 được Mỹ viện trợ. Ảnh: AP

Theo thông cáo trên, quân đội Nga trong 24 giờ qua đã thực hiện bốn đợt tập kích bằng tên lửa, bảy vụ không kích với các máy bay không người lái Shahed-136 có nguồn gốc từ Iran, 55 cuộc tấn công bằng những hệ thống pháo phản lực phóng loạt “khiến nhiều khu dân cư và cơ sở hạ tầng chịu ảnh hưởng”.

“Để đáp trả, các đơn vị pháo binh và tên lửa Ukraine đã tấn công và phá hủy một sở chỉ huy, một khu vực tập trung binh lực, hai kho đạn cùng một radar phản pháo Zoopark của đối phương”, thông cáo viết thêm.

Bộ Quốc phòng Nga tới nay chưa đưa ra bình luận về thông cáo trên của Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Anh sắp viện trợ trăm nghìn viên đạn pháo cho Kiev

Hãng tin The Guardian cho biết, chính quyền Anh dự kiến trong hôm nay (19/12) sẽ thông báo việc cung cấp cho Ukraine hàng trăm nghìn viên đạn pháo trong năm 2023. 

“Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 19/12 sẽ tới Latvia để hội đàm với các nhà lãnh đạo Bắc Âu, Baltic và Hà Lan về vấn đề liên quan tới Nga. Dự kiến, ông Sunak trong cuộc họp trên sẽ tuyên bố việc Anh cung cấp hàng trăm nghìn viên đạn pháo cho Ukraine trong năm tới theo một hợp đồng trị giá 250 triệu bảng Anh, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng liên tục những loại đạn pháo quan trọng cho Kiev trong năm 2023”, thông cáo đăng trên trang web của Văn phòng Thủ tướng Anh viết. 

“Chúng tôi đã cung cấp hơn 100.000 viên đạn pháo cho Kiev kể từ tháng Hai, và việc chuyển giao liên quan trực tiếp đến các hoạt động giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ của Ukraine”, tuyên bố nhấn mạnh. 

Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, dự kiến nội dung cuộc hội đàm sẽ diễn ra giữa Thủ tướng Sunak và các nhà lãnh đạo Bắc Âu, Baltic và Hà Lan cũng xoay quanh vấn đề kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).