Nếu được thông qua sớm, đây sẽ là cơ hội phát triển du lịch và bảo tồn những giá trị văn hóa nghìn năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện tại, Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh tiếp tục phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chuẩn bị hồ sơ, khoanh vùng bảo tồn di sản.
Đơn vị cũng đã phối hợp với các cơ quan, địa phương, các sở ban ngành triển khai các hoạt động tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và tập huấn trong các trường học trên địa bàn công viên; triển khai xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp các cơ sở phục vụ du khách cho toàn bộ 89 điểm dừng chân thuộc 4 tuyến du lịch địa chất; xây dựng chỉnh trang các trung tâm thông tin; khoanh vùng bảo tồn và phát huy giá trị các loại di sản.
Đảo núi lửa Lý Sơn. |
Trước đó, ngày 30/11, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cho biết, hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đã được chuyển tới UNESCO. Hồ sơ gồm bản chính toàn văn và 9 phụ lục, khoảng 2.000 trang tiếng Anh được đệ trình tham gia Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Sau bước đệ trình toàn bộ hồ sơ, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục kế hoạch tập huấn truyền thông để đưa thông tin đến người dân, xây dựng kế hoạch tổng thể về bảo tồn và phát huy công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Đặc biệt là xây dựng các hoạt động trên thực địa như: các trung tâm thông tin, biển báo, biển hướng dẫn cho hơn 110 điểm địa chất đã đưa vào danh mục bảo tồn, biển thuyết minh, hệ thống pano, biển chỉ dẫn cho hơn 80 điểm nằm trong tuyến du lịch.
Được biết, từ tháng 6/2019, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã tập trung viết hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh và điều tra bổ sung. Theo mẫu hồ sơ của UNESCO, thì hồ sơ chia làm nhiều phần, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã giao các cơ quan chuyên môn trực thuộc tổng hợp nội dung khảo sát, thống kê để xây dựng hồ sơ.
Khảo sát, nghiên cứu thực địa 1.130 địa điểm, vị trí vùng lõi và vùng phụ cận trong phạm vi 4.600 km2 của Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và các nước Pháp, Nhật, Hàn Quốc đều nhận định Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có đầy đủ tiềm năng, giá trị về địa chất lẫn văn hóa, khảo cổ học để được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Theo các nhà khoa học, những vết tích địa chất được hình thành từ hoạt động núi lửa cách đây khoảng 12 triệu năm và gần đây nhất là 3.000 năm. Những miệng núi lửa cổ đại ở khu vực đỉnh núi Thới Lới, Giếng Tiền và Bãi Sau phun trào hình thành nên đảo Lý Sơn ngày nay. Đảo núi lửa Lý Sơn còn lưu giữ khá nguyên vẹn tầng địa chất và là khu vực đa dạng di sản địa chất với các lớp địa tầng trầm tích núi lửa độc đáo, hiếm có trên thế giới.
Ông Guy Martini, Tổng Thư ký Chủ tịch hội đồng Công viên địa chất toàn cầu, kiêm Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu cho biết, qua khảo sát có 81 vị trí di sản địa chất, văn hóa, tâm linh, phi vật thể cần bảo tồn và khai thác ngay. Tuy nhiên, việc bảo tồn khai thác chưa thật sự hiệu quả. Di sản địa chất thiên nhiên, văn hóa có sẵn nhưng sau hai năm thực hiện hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu, Quảng Ngãi vẫn chưa có địa lý chỉ dẫn, giới thiệu điểm vùng địa chất, địa mạo. Các cụm di sản có nhiều thắng cảnh đẹp, bảo tàng tự nhiên về núi lửa, san hô, di chỉ văn hóa Sa Huỳnh vẫn chưa xây dựng hệ thống thuyết minh, biển bảng giới thiệu cho du khách.
Tình Lê