Ứng dụng các công nghệ hiện đại vào trong các khâu quản lý thuế là một trong những định hướng chuyển đổi số của ngành Thuế trong giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển của ngành Thuế. Để có được sự thành công của chuyển đổi số, ngành Thuế cần tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng nêu rõ 4 định hướng lớn trong chuyển đổi số ngành Thuế. Cụ thể là đẩy mạnh triển khai phần mềm hóa đơn điện tử đáp ứng các chính sách mới về hóa đơn điện tử và mở rộng xây dựng hệ thống Cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền; Xây dựng Kho cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử và triển khai các giải pháp, công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro về thuế.
Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn,…; Phát triển và cung cấp các dịch vụ thuế số cho người nộp thuế, qua đó, giúp tăng trải nghiệm cho người dân và doanh nghiệp.
Triển khai giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử trong nước và dịch vụ số xuyên biên giới theo hướng tập trung dữ liệu quản lý từ các sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới. Xây dựng hệ thống giám sát tự động 24/7, quy định trách nhiệm phối hợp quản lý của sàn thương mai điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ số.
Xây dựng nền tảng dữ liệu phục vụ nghiệp vụ quản lý thuế và các dịch vụ thuế thông minh, bao gồm nền tảng quản trị dữ liệu hiện đại hỗ trợ dữ liệu lớn và quản lý dữ liệu chủ; triển khai các mô hình phân tích dự báo dữ liệu hỗ trợ quản trị rủi ro, quản trị chất lượng và quản trị hiệu năng.
Triển khai hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống CNTT ngành Thuế theo định hướng chuyển đổi số. Kiến trúc nền tảng hạ tầng kỹ thuật được chuyển đổi theo hướng dịch vụ, phát triển theo xu hướng công nghệ điện toán đám mây; phát triển hạ tầng Internet vạn vật và ứng dụng các công nghệ số mới trong xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý thuế.
Cũng tại Đề án đổi mới và tăng cường năng lực công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế (NNT) đến năm 2030, cơ quan thuế cho biết sẽ phát triển ứng dụng nhằm tự động hóa một số bước trong thanh, kiểm tra dựa trên nền tảng quản lý thuế điện tử và kết nối dữ liệu tự động với bên thứ 3, tiến tới áp dụng trí tuệ nhân tạo (Al).
Với mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ tờ khai các khoản thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân của doanh nghiệp được kiểm tra tự động qua phần mềm ứng dụng có sử dụng bộ tiêu chí chấm điểm rủi ro của cơ quan thuế.
Tỷ lệ người nộp thuế được lựa chọn để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo rủi ro hàng năm bằng phần mềm ứng dụng quản lý rủi ro của cơ quan thuế đạt 90%.
Theo lộ trình, từ năm 2023 -2030, ngành Thuế sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp với các đơn vị liên quan phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Bổ sung nguồn nhân lực; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh, kiểm tra.
Tiếp tục xây dựng và triển khai các chuyên đề thanh, kiểm tra thuế; nghiên cứu ứng dụng AI để xây dựng các phần mềm ứng dụng CNTT phục vụ công tác thanh, kiểm tra thuế trên máy tính.