Toàn tỉnh Bình Định có 33 xã, thị trấn có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng làng, thôn thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát.
Địa bàn vùng dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, đây là những nơi có điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, địa hình đa dạng, phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi và các con sông, suối tạo thành các vùng dân cư phân tán, cách biệt, thông tin liên lạc và giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc.
Ước tính, toàn tỉnh có hơn 10.800 hộ dân tộc thiểu số, với khoảng hơn 40.400 người, chiếm 2,7% dân số toàn tỉnh, với 31 dân tộc thiểu số, trong đó có 3 dân tộc cư trú lâu đời là Bana Kriem (chiếm 55,9%), H’rê (chiếm 26,6%), Chăm (chiếm 16,6 %) và các dân tộc thiểu số khác 0,9%.
Với bối cảnh như trên, nhiệm vụ “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) xây dựng hệ thống chuyển đổi ngôn ngữ các văn bản bằng tiếng Việt (chữ in) sang dạng âm thanh tiếng Bana Kriem dùng cho các đài phát thanh ở các vùng có người dân tộc Bana Kriem sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Định” đã được thực hiện.
Thông tin từ Hội đồng Khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Bình Định, nhiệm vụ trên đã xây dựng hoàn thành 6 báo cáo chuyên đề thể hiện kết quả trung gian của quá trình nghiên cứu. Cụ thể, hơn 2 năm thực hiện, nhiệm vụ hệ thống phần mềm dùng cho việc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Bana Kriêm và phát thanh tiếng Bana Kriêm chạy trên nền web. Sản phẩm đã được thử nghiệm, đánh giá với bộ dữ liệu thực tế của đồng bào Bana Kriêm… Ngoài ra, nhiệm vụ đã hoàn thiện các sản phẩm như: Ứng dụng dịch tự động chạy trên thiết bị di động; bài báo trên hội nghị khoa học quốc tế.
Nhiệm vụ trên góp phần giảm chi phí trong việc thuê người dịch thuật trực tiếp tại các đài phát thanh của các xã, huyện và không phụ thuộc vào người phiên dịch tiếng Bana Kriêm; đồng thời, giúp đồng bào Bana Kriêm có thể tiếp cận những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và những kiến thức khoa học, tin tức thời sự nhanh, dễ hiểu nhất bằng chính ngôn ngữ mà mình đang sử dụng hàng ngày...
PGS.TS Phạm Trần Vũ (Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM) chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, quá trình triển được thực hiện năm 2020 và được Hội đồng KH&CN tỉnh Bình Định nghiệm thu vào cuối tháng 6/2023.
Theo ông Vũ, tỉnh Bình Định có 33 xã, thị trấn có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng làng, thôn thuộc 6 huyện, với tổng số hơn 10.800 hộ dân. Trong đó, số hộ Bana Kriêm chiếm tỷ lệ cao nhất (55,9%). Ở đây, ngoài những khó khăn về cơ sở hạ tầng; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại nhiều địa phương còn hạn chế về năng lực, trình độ, chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới… nên việc tiếp cận, nắm bắt thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đôi lúc còn chưa kịp thời, đúng và đủ.
Hơn nữa, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế-xã hội đang là xu thế phát triển được Bình Định quan tâm, gồm có các đề tài, nghiên cứu về khoa học dữ liệu, AI (trí tuệ nhân tao).... Đó là lý do chính mà nhóm nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng AI trong tự động chuyển đổi văn bản chữ tiếng Việt sang phát thanh tiếng Bana Kriêm.
Kết quả, nhóm đã tạo được phần mềm dịch tự động ngôn ngữ các văn bản (giấy, tạp chí khoa học, văn bản ...) bằng chữ viết tiếng Việt (chữ in) sang dạng âm thanh tiếng Bana Kriêm dùng cho các đài phát thanh ở các xã, huyện miền núi của tỉnh.
Với hệ thống ứng dụng dịch tự động này, nhóm nghiên cứu tin rằng, có thể đáp ứng các nhu cầu chuyển ngữ và phát âm tiếng Bana cho người dân và các cơ quan ở Bình Định nói chung, người Bana Kriêm nói riêng. Hệ thống này có thể giúp nhanh chóng chuyển đổi các văn bản, thông tin từ ngôn ngữ tiếng Việt sang tiếng Bana, góp phần phổ biến nhanh thông tin đến các đồng bào người dân tộc, giúp họ nắm bắt được các thông tin mới một cách chính xác, kịp thời.
Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Định, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh đánh giá, phần mềm có tính ứng dụng cao trong đời sống, hỗ trợ các đài truyền thanh của huyện, xã dễ dàng chuyển tải nội dung các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao.
Sở KH&CN sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh làm đầu mối triển khai kết quả nhiệm vụ đến các đài truyền thanh xã, huyện miền núi có đồng bào dân tộc Bana Kriêm sinh sống. Về lâu dài, Hội đồng KH&CN sẽ rà soát, đề xuất làm thêm các nhiệm vụ nghiên cứu về chuyển ngữ các tiếng dân tộc khác, trong đó có tiếng H’re, Chăm H’roi.
Trần Chung - Diễm Phúc