Chủ động khai thác ứng dụng AI

Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục, hiện nay có một số công cụ AI khá phù hợp đối với ngành giáo dục và đang được sử dụng khá phổ biến là: ChatGPT, Power Point Speaker Coach, Slides GPT, Conker…

Thông qua việc sử dụng AI, các giáo viên và học sinh đã xây dựng được những mô hình học tập, nghiên cứu sáng tạo, khoa học.

Dac lac 5.jpg
Học sinh Trường THCS Ea Yông (huyện Krông Pắc) thử nghiệm ứng dụng của dự án “Thiết kế ứng dụng di động Android nhận biết sâu bệnh hại cây sầu riêng thông qua hình ảnh và hướng dẫn điều trị từng loại bệnh”.

Đơn cử như Dự án “Thiết kế ứng dụng di động Android nhận biết sâu bệnh hại cây sầu riêng thông qua hình ảnh và hướng dẫn điều trị từng loại bệnh” của học sinh Trường THCS Ea Yông (huyện Krông Pắc) thực hiện.

Theo đó, nhóm học sinh đã nhờ ứng dụng AI từ công cụ MIT App Inventor để huấn luyện mẫu (Training Model), phân tích hình ảnh và lập trình giao diện nhằm hoàn thiện sản phẩm App Android trên điện thoại.

Em Lê Huỳnh Diệp Chi, học sinh Trường THCS Ea Yông (huyện Krông Pắc) chia sẻ, để thực hiện đề tài, nhóm đã đến từng vườn sầu riêng để thu thập hình ảnh cây và lá sầu riêng bị bệnh.

Phần mềm AI giúp nhóm phân tích hình ảnh lá cây sầu riêng bị bệnh, nhận diện các loại bệnh... Dự án đã được thử nghiệm trên một số vườn trồng sầu riêng trên địa bàn xã Ea Yông với kết quả chính xác trên 80%.

Thầy Biện Trần Bảo Phương, giáo viên Trường THCS Ea Yông, người trực tiếp hướng dẫn dự án nói trên cho biết, so với các sản phẩm công nghệ số trước đó thì AI rất “sành” trong thực hiện nhiệm vụ vẽ tranh, xây dựng video...

Giáo viên có thể khai thác các ứng dụng phục vụ giảng dạy trên lớp, tự nghiên cứu hay hỗ trợ học sinh nghiên cứu khoa học…

Tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột), AI đang được sử dụng hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như trong giảng dạy, giao bài tập, quản lý lớp học…

Nhà trường cũng đã xây dựng hệ thống đồng bộ, kết nối thông tin toàn bộ lớp học, chương trình học với thầy cô, học sinh và thời khóa biểu; khi thầy cô soạn bài xong sẽ lập tức chuyển về cho học sinh để nghiên cứu, làm bài tập để tạo ra mô hình lớp học đảo ngược (học sinh học bài mới ở nhà, lên lớp làm bài tập và hỏi giáo viên những điều chưa biết)…

Nâng cao hiểu biết về AI

Qua thực tế khảo sát ở các trường học sử dụng AI hiệu quả cho thấy, đa phần các sản phẩm của AI được khai thác như một dụng cụ phục vụ dạy và học đối với cả giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên, một số giáo viên chưa quen với việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy hoặc e ngại thay đổi phương pháp dạy học; phụ huynh ngại cho học sinh sử dụng thiết bị công nghệ sớm…

Ông Trần Đức Huyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột) phân tích, song hành với đầu tư cơ sở vật chất là tăng cường sự hiểu biết của giáo viên, phụ huynh về AI; xem AI là một công cụ như máy tính kết nối Internet và bản thân người dùng phải có sự hiểu biết để đánh giá kiến thức AI cung cấp là đúng hay sai để không phụ thuộc hoàn toàn vào AI.

Nhà trường đã giới thiệu đến phụ huynh, học sinh, giáo viên hệ thống bảo mật cài đặt trên máy tính nhằm kiểm soát, ngăn chặn các website xấu, độc hại; xây dựng nền tảng kết nối hiệu quả với phụ huynh nhằm báo cáo kết quả, trao đổi thông tin; tạo các buổi chia sẻ, cùng hợp tác giữa phụ huynh với nhà trường.

Giáo viên cũng có thể dựa vào AI để phát triển bản thân, khi cần cũng có thể hỏi AI; qua quá trình đó nhận diện những thiếu sót khi sử dụng AI để hướng dẫn học sinh…

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo thì việc chuyển đổi số, ứng dụng AI đã được các trường học sử dụng nhiều năm nay trong các lĩnh vực: quản lý; tổ chức dạy học; xây dựng kế hoạch bài giảng; hướng dẫn học sinh sử dụng công cụ AI trong học tập...

Qua đó, các cơ sở giáo dục đã từng bước cải thiện chất lượng dạy và học, góp phần thu hẹp khoảng cách về điều kiện giáo dục vùng khó khăn với vùng thuận lợi.  

Dac lac 6.jpg
Giờ thực hành môn Tin học của học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (huyện Krông Ana).

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, song hành với đầu tư về cơ sở vật chất, ngành tiếp tục triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn, thảo luận chuyên sâu để ứng dụng hiệu quả AI trong dạy và học.

Chỉ thị 14/CT-UBND, ngày 13/9/2024 của UBND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 – 2025 của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh xác định, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm: khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, giải pháp trí tuệ nhân tạo phù hợp trong giáo dục; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; xây dựng và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành...

Theo THANH HƯỜNG (Báo Đắk Lắk)