Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng các chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chính sách ưu tiên phát triển hàng đầu. Bởi, chuyển đổi số nông nghiệp góp phần chuyển đổi hệ thống nông sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giúp giải quyết bài toán về năng suất để đáp ứng nhu cầu ngày.
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, gia tăng năng suất làm việc và bảo vệ môi trường.
Đơn cử, các cảm biến và hệ thống giám sát đang được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp tại Mỹ, giúp thu thập dữ liệu về độ ẩm, nhiệt độ, độ pH, lượng nước và các chỉ số khác của đất đai và môi trường nuôi trồng. Dữ liệu này được phân tích bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa ra dự đoán và quản lý tốt hơn việc chăm sóc cây trồng và gia súc, từ đó tối ưu hóa năng suất và giảm thiểu lãng phí tài nguyên.
Mỹ cũng đang triển khai các hệ thống trí tuệ nhân tạo và Big data trong nông nghiệp. Các công nghệ này giúp phân tích dữ liệu lớn và đưa ra các dự đoán chính xác về tình hình thời tiết, môi trường và sản lượng, giúp nông dân đưa ra quyết định đúng đắn và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Ở Việt Nam, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ nhờ vào ứng dụng các công nghệ số tiên tiến như IoT, trí tuệ nhân tạo và Blockchain. Những ứng dụng này đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho ngành nông nghiệp, từ việc tăng cường hiệu suất và hiệu quả sản xuất, đến việc cải thiện quản lý và chuỗi cung ứng nông sản.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp nước ta đã bắt đầu dành nhiều sự quan tâm đến đến việc ứng dụng Big data vào các sản phẩm công nghệ số như phần mềm phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và theo dõi quá trình cây lớn và phát triển… Điểm nổi bật là người tiêu dùng có thể truy xuất các thông số này theo thời gian để biết thêm thông tin về sản phẩm mình sử dụng.
Nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã thí điểm công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh.
Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu và giám sát đều được thực hiện qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân, vị đại diện này nhấn mạnh.
Tập đoàn FPT đã kết hợp cùng Fujitsu, Viện Nghiên cứu Rau Quả, Bộ NN-PTNT, các chuyên gia Nhật Bản để xây dựng mô hình trồng rau mới. Trong mô hình này, công nghệ Akisai được ứng dụng để kết nối và điều khiển các yếu tố trong trang trại từ xa. Môi trường bên trong nhà kính được theo dõi, quản lý bằng máy tính để tạo ra môi trường tốt nhất cho cây cà chua và xà lách phát triển.
Trong năm 2021-2022, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều tiến hành một số các mô hình thử nghiệm phun thuốc bằng Drone. Kết quả cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ một số dịch hại là rất lớn, đặc biệt trên các cây trồng như lúa, ngô, cây ăn quả với mức độ phòng trừ tương đương hoặc cao hơn so với phun thông thường. Việc áp dụng công nghệ Drone/UAV cũng giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước thuốc sử dụng và công lao động.
Hay như trong lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ IoT, blockchain, công nghệ sinh học lên các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn. Bên cạnh đó, việc đưa những mô hình quản lý hiện đại để thay cho sức người cũng giúp tăng hiệu quả cũng như tiết kiệm được rất nhiều nhân công và nguồn lực.
Mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của Công ty Vinamilk. Doanh nghiệp này đã ứng dụng công nghệ IoT vào việc giám sát chăn nuôi. Từ chế độ ăn đến mọi khâu chăm sóc đều được theo dõi cẩn thận theo chuẩn nông nghiệp thông minh. Nhờ đó, khối lượng sữa thu được lên tới 23 lít/con/ngày. Trang trại cũng đã được chứng nhận là trang trại hữu cơ theo chuẩn châu Âu để có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau, đồng thời đáp ứng vấn đề truy xuất nguồn gốc.
Thực tế cho thấy, ứng dụng Big data, AI, IoT… không chỉ giúp thu thập dữ liệu, tạo ra kho dữ liệu lớn mà còn tối ưu hóa được hiệu quả sản xuất trong ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, trong xu hướng biến chuyển của thị trường, người tiêu dùng không chỉ đòi hỏi chất lượng hàng hóa cao, an toàn thực phẩm mà còn yêu cầu khắt khe về vấn đề truy xuất nguồn gốc, nông sản giảm phát thải… Theo đó, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất sẽ giải được các “điểm nghẽn” của ngành nông nghiệp, từ đó hình thành một nền sản theo nhu cầu và tín hiệu thị trường, thậm chí đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới trên toàn cầu là "xanh và bền vững".
Song, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật cho rằng, cần tập trung nghiên cứu và xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn và ứng dụng công nghệ số cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các yếu tố đầu vào các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để giúp doanh nghiệp, người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.
Ngoài ra, cần phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa công nghệ thông tin - truyền thông, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, công nghệ số khu vực nông thôn, bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng. Phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ứng dụng công nghệ chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Tăng cường đào tạo cán bộ ở các cấp để đưa ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp.