Thông tin trên vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho biết. Theo đơn vị này, hưởng ứng sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia lần đầu tiên được tổ chức, ngày 10/10, tại trụ sở Bộ Công an, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an tổ chức khu triển lãm trưng bày về ứng dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip để định danh, xác thực điện tử trong ký kết hợp đồng điện tử phục vụ thương mại điện tử. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ hội nghị chuyển đổi số lần thứ nhất và công bố Ngày chuyển đổi số ngành Công an.
Tại khu trưng bày, Trung tâm tin học và Công nghệ số thuộc Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử đã giới thiệu tới các đại biểu về tiện ích của ứng dụng CCCD gắn chip để định danh - xác thực trong việc ký hợp đồng điện tử giữa các bên. Đồng thời, hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp cách sử dụng, vận hành, tích hợp CCCD gắn chip cho việc định danh, xác thực, ký hợp đồng điện tử và chứng thực hợp đồng điện tử trên Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số, tạo điều kiện để doanh nghiệp công nghệ được tiếp cận với các khách hàng tiềm năng, ứng dụng CCCD gắn chip để định danh - xác thực điện tử trong ký kết hợp đồng điện tử được nhận định là một giải pháp tiện ích.
Với giải pháp này, người tham gia ký kết hợp đồng điện tử sau khi hoàn thiện các nội dung ký sẽ phải xác minh danh tính người ký hợp đồng thông qua ứng dụng chip điện tử trên thẻ CCCD, nhằm đảm bảo xác minh thẻ thật và thông tin, sinh trắc học được lưu trữ trong chip điện tử.
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ, việc ứng dụng thẻ CCCD gắn chip định danh, xác thực điện tử trong hoạt động ký kết Hợp đồng điện tử đem lại giải pháp, tiện ích quan trọng cho Bộ Công Thương, nhất là khi Bộ đang vận hành Trục Hợp đồng điện tử Việt Nam để hỗ trợ các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử Việt Nam định danh, xác thực điện tử chủ thể ký kết hợp đồng điện tử.
“Với giải pháp này các nhà cung cấp dịch vụ Hợp đồng điện tử cũng hoàn toàn yên tâm để cung cấp dịch vụ về hợp đồng điện tử cho các tổ chức, cá nhân. Phù hợp với tính pháp lý do Bộ Công Thương quy định là người ký phải được xác thực danh tính gốc từ Bộ Công an”, ông Lê Đức Anh nói.
Đại diện Trung tâm Tin học và Công nghệ số cho biết thêm, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hỗ trợ, phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử rộng rãi tại Việt Nam.
Trao đổi tại hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp” ngày 9/10, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06 cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã cùng các bộ, ngành phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình Đề án 06. Đến nay, đã đạt được một số kết quả, mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 12 bộ ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương; tích hợp định tài khoản định danh và xác thực điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia và 25 dịch vụ công thiết yếu đã được cung cấp trực tuyến mức 3, 4 với tổng số hồ sơ thực hiện qua Cổng là gần 4,6 triệu.
Cùng với đó, đã tích hợp và tạo lập dữ liệu dùng chung cho hơn 27 triệu công dân tham gia đóng bảo hiểm y tế; đồng bộ mũi tiêm của Bộ Y tế cho hơn 100 triệu công dân, thông tin đăng ký xe là 501.394 công dân, thông tin hộ chiếu là trên 1,5 triệu công dân, thông tin xuất nhập cảnh vào Việt Nam là 224.752 công dân...
Việc sử dụng CCCD gắn chip thay cho thẻ bảo hiểm y tế đạt 87 % tổng số cơ sở y tế trên toàn quốc, đến nay đã có hơn 2,5 triệu lượt công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh thay thế thẻ bảo hiểm xã hội.
Bộ Công an cũng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai việc sử dụng CCCD gắn chip để xác thực, rút/nạp tiền tại ATM, giao dịch đảm bảo trên điện thoại di động phục vụ kinh doanh trên các nền tảng số.
Hiện nay, Bộ Công an đang cùng các cơ quan, đơn vị tích hợp CSDL doanh nghiệp và dữ liệu người nước ngoài để triển khai định danh điện tử.
“Việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh xác thực điện tử là bước cải cách đột phá về thủ tục hành chính và giao dịch điện tử tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, công sức”, ông Vũ Văn Tấn cho hay.
Vân Anh