Sử dụng máy bay không người lái (UAV, drone) để làm nông nghiệp trên các cánh đồng tưởng chừng chỉ là câu chuyện bên Tây, song đang được áp dụng khá phổ biến ở Tây Nam Bộ.
Nguyễn Văn Thiên Vũ, nhà sáng lập thế hệ 9x của AgriDrone, cho hay công ty anh đang cung cấp sản phẩm máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp trên cả nước. Trong đó, thị trường lớn nhất vẫn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt ở 4 tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Thiên Vũ đã chia sẻ với ICTnews nhiều câu chuyện thú vị xung quanh việc sử dụng drone vào nông nghiệp.
Bị chửi “điên” khi chào bán máy bay phục vụ nông nghiệp
Năm 2018, tôi mang máy bay không người lái đến quảng bá cho nông dân ở khu vực miền Tây. Nhiều người nói tôi bị điên. Bởi việc sử dụng thiết bị bay nông nghiệp tại Việt Nam lúc bấy giờ giống như chuyện viễn tưởng, đầy mơ mộng hoặc hơi trẻ con, thậm chí chê chúng tôi không biết gì về nông nghiệp. Nhưng vì tôi hiểu rất rõ sản phẩm của mình, nắm rõ kỹ thuật nên cực kỳ tự tin.
Trước đó, đã có vài đối tác cung cấp sản phẩm tương tự ở miền Tây nhưng chưa thành công. Trên thực tế, tôi đã cung cấp sản phẩm thử nghiệm cho một tập đoàn nước ngoài lớn tại khu vực này và cho ra kết quả rất tích cực, tạo niềm tin về sản phẩm của mình trước khi tiếp thị đến bà con.
Những công nghệ mới thường mất thời gian thuyết phục người dùng. Trước đây, các loại máy cày hay máy gặt đập liên hợp cũng cần thời gian dài chứng minh hiệu quả mới được tin dùng thì câu chuyện của drone cũng như vậy. Tôi xin những nông dân có diện tích canh tác lớn, tầm 100ha cho làm thử và chỉ dùng drone vào việc phun thuốc trên một mảnh đất 1ha, cam đoan nếu đạt kết quả thì khách trả tiền, nếu không thành công thì đền bù thỏa đáng. Ví dụ mảnh đất 1ha một vụ mùa thu được 40 triệu, nếu chúng tôi làm thua lỗ chỉ còn được 30 triệu thì công ty bù vào 10 triệu đồng.
Sau khi chúng tôi làm thử 1-2 vụ mùa rất hiệu quả, hầu hết khách hàng đều có niềm tin và đầu tư máy bay vào công việc phun thuốc.
Đồng bằng Sông Cửu Long là thị trường lớn nhất
Giai đoạn khởi nghiệp vào khoảng năm 2018 và trước đó, chúng tôi bắt đầu từ thị trường miền Bắc, song đến đầu năm 2019 vào miền Tây Nam Bộ và nhận thấy khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ứng dụng mạnh mẽ nhất. Đặc biệt các tỉnh như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đang là thị trường lớn của chúng tôi.
Khách hàng sử dụng drone nông nghiệp có đầy đủ thành phần: doanh nghiệp, hợp tác xã, các công ty dịch vụ và nông dân có vùng canh tác rộng. Khách hàng lớn nhất chính là các công ty dịch vụ phun thuốc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nông nghiệp lớn như Lộc Trời, ADC, Tân Thành, Agimex, Hoàng Anh Gia Lai, Bayer, FMC,... đều có ứng dụng máy bay không người lái cho việc phun thuốc.
Máy bay nông nghiệp: phun đúng, đủ, tiết kiệm sức người
Nếu phun bằng sức người, hạt dung dịch lớn nên khả năng bám vào lá cây thấp, dễ bị rơi xuống gây ô nhiễm đất. Thêm vào đó, hạt nước lớn nên mất 1-2 giờ đồng hồ mới bay hơi hết, lúc đó phần thuốc còn lại mới tiếp xúc vào lá cây. Vừa phun xong gặp mưa xuống thì thuốc trôi hết, coi như mất trắng. Trong khi đó, việc dùng UAV phun đậm đặc với lượng nước ít sẽ giúp bám lá cây tốt hơn. Một số loại thuốc phun xong nếu 10 phút sau gặp mưa xuống vẫn không bị trôi.
Trước đây để phun rầy, vốn hay nằm dưới gốc cây thì nông dân phải phun “tắm thuốc”, tức phun với lượng lớn từ trên cao để thuốc thấm xuống gốc cây. Muốn hiệu quả thì phải phun lại 3-4 lần. Nhưng máy bay có chế độ phun rầy, giúp thuốc xuống tận gốc cây và chỉ cần phun 1 - 2 lượt.
Điều quan trọng nhất của việc sử dụng máy bay chính là dập dịch kịp thời. Ví dụ sâu bệnh tràn vào một cánh đồng lớn, nếu không phun thuốc kịp thời thì cây có thể bị yếu đi nhanh chóng, giảm sản lượng hoặc bị chết. Khi dùng máy bay, hiệu quả có thể tăng 30-50 lần so với việc phun tay.
Do thiếu nhân lực nên có người sở hữu đất rộng nhưng không thể mở rộng quy mô. Sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại sẽ giúp nông dân giảm thiểu sức người, mở rộng diện tích trồng, gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
UAV giúp vẽ bản đồ số nông nghiệp, dự báo năng suất cây trồng
Hiện nay ứng dụng chủ yếu nhất của thiết bị bay là phun thuốc. Tuy nhiên, các máy bay có thể sử dụng vào việc rải giống hoặc thậm chí vận chuyển.
Trong tương lai, thiết bị drone có khả năng vẽ bản đồ chỉ số thực vật, khi dữ liệu đủ lớn có thể phân tích và chẩn đoán, chữa bệnh cho cây trồng. Chẳng hạn, máy bay chụp hình ảnh một cánh đồng canh tác lớn, qua phân tích đo được tình trạng sức khoẻ từng khu vực cây trồng, khoanh vùng để điều trị hiệu quả.
Theo cách truyền thống, nếu phát hiện sâu bệnh phải điều trị cả cánh đồng song với cách dùng hình ảnh thì có thể dự báo, chẩn đoán để điều trị cho một vùng riêng biệt, giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả. Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng dữ liệu lớn phục vụ mục đích này.
Ngoài ra, có thể dùng drone để số hoá bản đồ nông nghiệp trên toàn quốc. Hiện tại, các địa phương tự thống kê về các loại nông sản trên địa bàn nhưng báo cáo này có thể chưa cập nhật và chính xác. Nếu dùng drone chụp ảnh từ trên cao, vẽ lại bản đồ sẽ cung cấp được nhiều thông tin, trong đó có cả việc dự báo bệnh và năng suất cây trồng.
Ước mơ có sản phẩm Made in Vietnam cạnh tranh
Ở khía cạnh pháp lý, sử dụng máy bay không người lái ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng nên nhà nước quản lý chặt là điều dễ hiểu. Tuy nhiên khi chúng tôi xin phép các bộ ngành thì rất được ủng hộ. Chúng tôi xác định làm nghề đàng hoàng nên đầu tư để đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý. Ngoài ra, các tỉnh đều đặt nông nghiệp công nghệ cao lên vị trí ưu tiên nên những doanh nghiệp giúp ích cho nông dân, hoạt động tuân thủ pháp luật, đầy đủ giấy tờ đều được ủng hộ.
Chúng tôi thuộc lứa nghiên cứu, sản xuất rất sớm các loại máy bay không người lái tại Việt Nam. Tôi khá tự tin vào tài năng của mình và có giai đoạn vùi đầu vào phòng thí nghiệm để sản xuất thiết bị. Nhưng đến lúc cầm trên tay những sản phẩm của nước ngoài mới thấy năng lực sản xuất của mình chưa đáp ứng được, mặc dù khía cạnh công nghệ và xây dựng tính năng thì không thua ai.
Do đó, hiện tại chúng tôi vẫn sản xuất theo đơn đặt hàng song chủ yếu kinh doanh phân phối máy bay của các hãng lớn trên thế giới. Tôi cho rằng phải có sản phẩm tốt, ứng dụng hiệu quả đem lại niềm tin cho người nông dân. Sau đó, bắt đầu sản xuất sản phẩm của mình cho họ thử nghiệm, rút kinh nghiệm và nâng cao năng lực. Phải kinh doanh có hiệu quả, tạo được giá trị, xây dựng được niềm tin cho khách hàng, song song với việc phát triển sản phẩm nội địa.
Hiện nay, năng lực sản xuất và ngành công nghiệp phụ trợ trong nước còn hạn chế, do đó giá thành sản phẩm cao và không cạnh tranh. Khi chuỗi sản xuất trong nước hoàn thiện, sản phẩm mới cạnh tranh hiệu quả.
Ứng dụng và phát triển phần mềm Việt không thua kém thế giới
Việc sản xuất trong nước hiện chưa cạnh tranh được với nước khác nhưng lập trình ứng dụng và áp dụng công nghệ không hề thua kém, thậm chí có một số vấn đề còn đi trước.
Hai năm trở lại đây, việc sử dụng drone trong nước bùng phát rõ rệt. Chúng tôi có điều kiện tiếp xúc khách hàng nhiều hơn, lắng nghe những trăn trở và viết ứng dụng giải quyết ngay vấn đề họ gặp phải. Nhờ vậy các ứng dụng trở nên thiết thực và đáp ứng nhu cầu người dùng.
Trên thực tế, khi tôi tham dự một số lớp đào tạo với bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn thuộc nhóm hàng đầu khu vực trong việc ứng dụng các công nghệ mới ở lĩnh vực drone nông nghiệp. Bản thân tôi cũng được hỏi han nhiều về những vấn đề ứng dụng tại Việt Nam mà bạn bè quốc tế thấy mới mẻ.
Hải Đăng