Sáng 2/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phối hợp Câu lạc bộ Trí thức trẻ tỉnh, Đoàn khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức trẻ, đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng chuyển đổi số toàn diện năm 2023.
Giám đốc Trung tâm CĐS và Thống kê Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Huỳnh Trung Tính chủ trì đối thoại. Chương trình đối thoại còn có sự tham dự của lãnh đạo các sở ngành, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ ngành nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, CĐS ngành nông nghiệp tỉnh cần thống nhất theo phương châm “tự thân, tự nguyện, tự động”. Thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Cần có các giải pháp đẩy mạnh truyền thông chính sách CĐS trong ngành để chuyển đổi nhận thức của nguồn nhân lực; kiến tạo thể chế, xây dựng ban hành kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp và hoàn thiện các quy định liên quan đến CĐS; phát triển hạ tầng số thông qua việc xây dựng trung tâm dữ liệu ngành, xây dựng trung tâm điều hành thông minh; phát triển nền tảng số với hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số phục vụ nông nghiệp. Ngoài ra cần củng cố an ninh mạng và nghiên cứu, hợp tác, đào tạo CĐS.
Tại buổi đối thoại, nhiều cán bộ, công chức, viên chức trẻ quan tâm về các vấn đề thương mại điện tử đối với lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhất là việc kiểm tra, kiểm định chất lượng hàng hóa; chi phí áp dụng cho hợp tác xã, tổ hợp tác khi vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc trong một mã số vùng trồng canh tác cây ăn trái từ 10-20 ha.
Anh Trần Thanh Trung, cán bộ nông thôn mới xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm đề xuất, cần minh bạch kiến thức dữ liệu ngành nông nghiệp, cụ thể vùng đất thích hợp cho các loại cây trồng; làm sao để người dân tiếp cận các nền tảng số một cách dễ hiểu, dễ thao tác và giá cả hợp lý mang tính phổ thông. Điều quan trọng là cần quản lý về cung cầu trong thị trường để đảm bảo nông sản sạch, chất lượng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức trẻ là lực lượng chủ chốt trong chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các đơn vị tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức trẻ, từ đó nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, dự án, đề án phát triển thanh niên trong giai đoạn mới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị các cán bộ, công chức, viên chức trẻ cần chủ động tham mưu, góp ý cho lãnh đạo đơn vị đưa ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số của ngành nông nghiệp, lên kế hoạch triển khai các phương án khả thi, đồng thời phối hợp với chuyên môn áp dụng chuyển đổi số nâng cao hiệu quả công việc.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện trong lĩnh vực thủy sản, Bến Tre đã ứng dụng xử lý số liệu thống kê sản lượng thủy sản khai thác, sử dụng hệ thống giám sát hành trình tàu cá thực hiện giám sát tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển, chống đánh bắt bất hợp pháp, ứng dụng kiểm soát tàu cá cập/rời cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng; đồng thời đã đầu tư lắp đặt 8 trạm quan trắc để tiếp cận theo dõi, chủ động trong công tác phòng ngừa, dự báo trong sản xuất (trong thời gian tới sẽ triển khai thêm 6 trạm quan trắc tự động môi trường nước cho vùng nuôi tôm trên địa bàn huyện Thạnh Phú).
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh sử dụng phần mềm giám sát, đánh giá và thống kê ngành lâm nghiệp; phần mềm Chương trình quản lý dữ liệu rừng ven biển và thử nghiệm Phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã.
Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu về thiết lập và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; quản lý tình hình sinh vật gây hại, công tác thanh, kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật; tiếp nhận và thực hiện thủ tục cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường nội địa trên nền tảng trực tuyến của Cục Trồng trọt.
Hiện, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện "Phân hệ phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản".
Tập trung các giải pháp
Để CĐS trong ngành NN&PTNT có kết quả, cần tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, chính sách xây dựng cơ chế thúc đẩy CĐS ngành NN, gắn với đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ người dân đến với công nghệ.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh, trong năm 2023, ngành chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ chính quyền số; xây dựng và ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân.
Mặt khác, cùng với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, người dân cần chủ động tiếp cận CNS cũng như được hướng dẫn ứng dụng CNS vào quy trình sản xuất, tiêu thụ nông sản của mình.
Ứng dụng CNS để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Mỗi người dân cần được định hướng đào tạo ứng dụng CNS trong sản xuất, cung cấp, phân cấp, dự báo (giá, thời vụ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong NN.
Một giải pháp khác là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn trí thức trẻ về hoạt động trong lĩnh vực NN không đơn thuần là trực tiếp tham gia sản xuất mà còn trong công tác quản lý, điều hành và phân phối lao động ở khu vực nông thôn.