Chuyển đổi số ngành nông nghiệp góp phần hiện thực hoá mục tiêu tiếp tục thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp nhận thức rõ chuyển đổi số giúp nâng cao hoạt động quản lý, điều hành sản xuất thông qua việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; quản lý vùng sản xuất, quy trình sản xuất; hỗ trợ theo dõi, điều hành quy hoạch, kế hoạch sản xuất hiệu quả; nâng cao năng lực giám sát, thích ứng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số ngành nông nghiệp giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về cảnh báo dịch hại, thời tiết, thị trường, thành tựu khoa học, công nghệ mới, tự động hoá và quản trị quy trình sản xuất hiệu quả hơn, đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, tiết giảm chi phí trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất; doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Mặt khác, chuyển đổi số ngành nông nghiệp góp phần hiện thực hoá mục tiêu tiếp tục thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái góp phần tạo ra giá trị mới trong sản xuất. Phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng “Làng thông minh”; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn tiệm cận với thu nhập bình quân chung của tỉnh.
Do đó, tỉnh đã triển khai các mô hình mới, cách làm hay trong lĩnh vực sản xuất. Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, bước đầu sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật (Drone), thành lập bốn cơ sở cung ứng dịch vụ phun thuốc BVTV bằng Drone hoạt động chủ yếu trên địa bàn huyện Tân Hồng, Tam Nông, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò.
Mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 (sử dụng hệ thống cảm biến để quản lý tưới ngập khô xen kẽ, ứng dụng thiết bị giám sát sâu rầy thông minh, sử dụng phân bón thông minh,...) và cơ giới hóa toàn diện tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân theo hướng mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tỉnh cũng ứng dụng công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại nhằm chủ động phòng chống hiệu quả. Bước đầu triển khai thực hiện mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh (lắp đặt 13 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh trên địa bàn tỉnh và triển khai ứng dụng phần mềm PPDMS 2.0 vào việc báo cáo và tổng hợp số liệu tình hình sâu bệnh hại cây trồng trên địa bàn tỉnh).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, triển khai ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến VAHIS (Viet Nam animal health information system) trong báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ngoài ra, ứng dụng phần mềm Quantum GIS trong phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng bản đồ dịch tễ giúp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Trong lĩnh vực thuỷ sản, tỉnh thực hiện chương trình nâng cao chất lượng con giống cá tra. Đến nay, toàn tỉnh có trên 21.000 con cá tra hậu bị cải thiện di truyền có gắn thiết bị (chip) quản lý được chuyển giao cho 13 cơ sở sản xuất giống cá tra quản lý và khai thác sử dụng.
Đối với lĩnh vực thuỷ lợi, hạ tầng thuỷ lợi đã được số hóa và ứng dụng phần mềm MapInfow để quản lý và giám sát hệ thống đê điều, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) theo giám sát, theo dõi sạt lở bờ sông; xây dựng và lắp đặt 16 trạm cảnh báo sớm giông sét trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Xây dựng hai trạm đo mực nước tự động trên địa bàn xã Tân Quới, huyện Thanh Bình và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông.
Với lĩnh vực lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin và GIS trong điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến và công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
Trong lĩnh vực kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử, Đồng Tháp đã áp dụng nhiều mô hình kinh doanh có hỗ trợ của kỹ thuật số như mô hình kinh doanh “Cây xoài nhà tôi” được triển khai tại HTX xoài Mỹ Xương; “Cây cam vườn tôi” tại xã Tân Thuận Đông đã giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng sở hữu được sản phẩm mình yêu thích, giúp gia tăng giá trị cây ăn trái.
Đồng thời, HTX xoài Mỹ Xương đã phối hợp công ty Infinity Blockchain Labs (IBL) thực hiện Mô hình ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc xoài. Mô hình Lúa - Cá thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9) thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm gạo tại Cơ sở Huỳnh Kiểm - huyện Hồng Ngự và Công ty TNHH Phương Minh - huyệnThanh Bình.
Tỉnh cũng phối hợp với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh xây dựng thành công chuỗi truy xuất nguồn gốc trứng vịt từ các tổ hợp tác chăn nuôi vịt trong tỉnh khi lưu thông trứng vịt vào thị trường TP. Hồ Chí Minh thông qua hệ thống quét mã QR code. Phát triển phần mềm tiếp nhận hồ sơ đăng ký và đánh giá sản phẩm OCOP. Đến nay, có 161 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đạt từ 3 - 4 sao và ngoài phân phối theo kênh truyền thống các sản phẩm đều có thị trường tiêu thụ ổn định trên các trang điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử.