Vô hiệu hoá drone

Các phương tiện vũ trang DE M-SHORAD sử dụng bản nâng cấp mới nhất của xe thiết giáp Stryker, có khả năng chống lại các thiết bị tấn công gây nổ (IEDs) và các loại mìn.

Bên cạnh đó, Stryker cũng được trang bị máy phát điện tích hợp cho hệ thống súng laser, thiết bị phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu tấn công trên không.

Những trang bị trên tạo thành một hệ thống tự phòng vệ khép kín, vừa có thể triển khai tấn công vừa có tác dụng phòng thủ cho những đơn vị cơ giới khác như thiết giáp và xe tăng.

picture1.jpg
Xe thiết giáp Stryker trang bị vũ khí laser trong biên chế quân đội Mỹ. Ảnh: PopMech

Hệ thống vũ khí laser trên DE M-SHORAD hoạt động bằng cách tập trung một chùm tia laser cường độ cao và nóng vào mục tiêu. Tia laser sẽ đốt cháy cánh hoặc động cơ của máy bay không người lái (drone), từ đó phá hủy cấu trúc và tiêu diệt mục tiêu.

Với sức nóng, các mạch điện của drone nhanh chóng bị tan chảy, vô hiệu hoá camera điều khiển thường được sử dụng trên những chiếc drone sử dụng động cơ nhiên liệu.

Bắn hạ rocket và đạn cối

DE M-SHORAD được thiết kế để hỗ trợ cho các đơn vị chiến đấu cơ giới như xe tăng Abrams, xe chiến đấu Bradley hoặc xe chiến đấu bộ binh Stryker với nhiệm vụ phòng không, nhanh chóng bắn hạ máy bay không người lái đối phương.

Hệ thống cũng có thể phòng thủ trước các đợt oanh kích từ pháo binh của đối phương và được chứng minh trong cuộc thử nghiệm vào tháng 5/2022, khi có thể bắn hạ một số loại rocket và đạn súng cối.

Một trong những điểm đáng chú ý của DE M-SHORAD là có thể bắn hạ đạn pháo oanh kích của đối phương, điều mà chưa quân đội nước nào làm được.

Mặc dù hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng việc sử dụng tên lửa dẫn đường đắt tiền chỉ để bắn hạ các loại đạn pháo thông thường khiến việc triển khai trở nên không thực tế.

Hệ thống phòng thủ Iron Dome của Israel sử dụng tên lửa trị giá 40.000 - 50.000 USD chỉ để bắn hạ các tên lửa có giá khoảng 300 - 800 USD/quả.

Mặc dù tốn kém nhưng đáng giá, vì hầu hết mục tiêu mà hệ thống này bảo vệ đều là dân sự cố định và không có cách nào khác để phòng vệ.

43241fffff.jpg
Bốn chiếc DE M-SHORAD tại Đại đội Delta, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Pháo phòng không dã chiến 60. Ảnh: PopMech

Mặc dù chi phí trả trước để mua DE M-SHORAD tương đối cao nhưng chi phí triển khai tấn công chỉ tương đương với chi phí nhiên liệu diesel để chạy máy phát điện cung cấp cho hệ thống laser.

Điều đó cũng có nghĩa là không như các hệ thống súng hoặc tên lửa bị giới hạn khả năng tấn công, DE M-SHORAD chỉ cần được cung cấp đủ nhiên liệu chạy máy phát điện, để có thể liên tục tác chiến.

Bài học từ xung đột tại châu Âu và Trung Đông

Ngoài 04 chiếc đã chính thức biên chế trong quân đội, Mỹ chưa công bố số lượng DE M-SHORAD sẽ tiếp tục được sản xuất. Song, trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái phá hủy hàng loạt xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại ở Ukraine và Israel, việc phòng thủ drone là ưu tiên hàng đầu của NATO và phương Tây.

Mới đây, một máy bay không người lái trị giá 500 USD mang theo tên lửa chống tăng PG-7V trị giá 800 USD đã vô hiệu hóa thành công xe tăng Merkava IV trị giá 4 triệu USD.

Đây là minh chứng cho việc máy bay không người lái hoàn toàn có thể tiêu diệt xe tăng của quân đội chuyên nghiệp, tiên tiến nhất.

Máy bay không người lái đang thể hiện sự uy hiếp không thể phủ nhận của mình trên chiến trường theo những phương thức ngày càng phức tạp và nguy hiểm: giá thành ngày càng rẻ và dễ dàng triển khai với số lượng lớn.

Để khắc chế máy bay không người lái, thực sự cần một loại vũ khí có thể tác chiến nhanh với giá thành thấp và DE M-SHORAD có thể là giải pháp.

(Theo PopMech)