Để kịp thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhà trường tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý, đào tạo và định hướng nghề nghiệp.
Việc thường xuyên cập nhật, đổi mới các phương pháp, công cụ giảng dạy, học tập tiên tiến giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý, tạo đột phá về chất lượng, tiết kiệm nhân lực, thời gian, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. 

Công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, nghiệp vụ sư phạm, ứng dụng CNTT cho đội ngũ giáo viên được duy trì hiệu quả qua các chương trình: nâng cao năng lực biên soạn bài giảng điện tử, kỹ năng dạy học, kỹ năng quản lý, theo dõi, hướng dẫn người học qua mạng, kỹ năng sử dụng thành thạo phần mềm đào tạo trực tuyến và các phương tiện CNTT phục vụ trong giảng dạy.

Năm 2024, trường cử 56 giáo viên tham dự lớp bồi dưỡng chức danh giáo dục nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp do Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tổ chức. Hiện nay, 100% giáo viên đều ứng dụng tốt CNTT vào việc giảng dạy và học tập.  

Năm học 2024 - 2025, nhà trường tuyển sinh 500 chỉ tiêu với các nghề: vận hành máy thi công nền, hàn, điện công nghiệp, may thời trang, hướng dẫn du lịch, CNTT, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ ô tô, trồng trọt, lâm sinh, chăn nuôi thú y..., đạt 100% chỉ tiêu giao.

Hoàn thành tổ chức thi tốt nghiệp khóa 18 niên khóa 2021 - 2024 với tổng số 293/311 học sinh tham gia thi tốt nghiệp, đạt 94,2% và xét tốt nghiệp cho 3 học sinh học tín chỉ.

Liên kết với Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đưa 23 học sinh khóa 18 tốt nghiệp trình độ trung cấp đi học liên thông cao đẳng tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội các nghề điện công nghiệp và công nghệ ô tô.

Trường Trung cấp Nghề tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đào tạo và định hướng nghề nghiệp.
Trường Trung cấp Nghề tỉnh Cao Bằng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đào tạo và định hướng nghề nghiệp.

Để đạt được kết quả trên, trường chú trọng ứng dụng, chuyển giao công nghệ xây dựng các chương trình, hoạt động nghiên cứu khoa học, tuyển sinh, đánh giá, cấp chứng chỉ và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Đến nay, nhà trường mời các chuyên gia của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Sở Công thương, Chi cục Kiểm lâm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nguyên Bình, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tăng Hoàng, Công ty TNHH Minh Hương Cao Bằng, Công ty cổ phần Tập đoàn INVEST tham gia đánh giá, góp ý chương trình giáo trình của nhà trường nhằm đảm bảo chất lượng các chương trình, giáo trình đào tạo, nội dung đào tạo sát với thị trường lao động hiện nay.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho học sinh được thực tập tay nghề tại nhiều doanh nghiệp quy mô, uy tín trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trung Kiên, Công ty cổ phần HVT Bắc Kạn, Công ty cổ phần Hiệp Hoàng Auto... 

Từ năm học 2024 - 2025, Trường tổ chức học trực tuyến - tập trung phần lý thuyết tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhà trường tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, đánh giá tay nghề của học sinh.

Bạn Hoàng Ngọc Khoa, tốt nghiệp khóa 18, Lớp nghề vận hành máy thi công nền, hiện đang làm việc tại Công ty TNHH Cường Hưng Cao Bằng, chia sẻ: Thay vì sử dụng cách giảng dạy, học tập truyền thống như trước kia, các thầy cô đã ứng dụng CNTT vào dạy và học để giúp những tiết học thêm sinh động, cuốn hút, giúp chúng em phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, áp dụng tốt vào thực tiễn sau khi ra trường.

Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã mở ra cơ hội cho giáo viên và học sinh bổ sung các kỹ năng số, rèn luyện kỹ năng mềm, tư duy phản biện, khả năng nghiên cứu... Qua đó, góp phần bảo đảm quy mô, chất lượng, cơ cấu ngành, nghề đào tạo phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.   

Theo Mai Chi (Báo Cao Bằng)