100% giáo viên ở các sở giáo dục trên địa bàn Hà Tĩnh đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hỗ trợ giảng dạy, góp phần nâng cao hiệu quả bài giảng, khơi gợi sự hứng thú trong mỗi học sinh.
Với việc ứng dụng công nghệ thông tin vận hành mô hình lớp học thông minh, giờ học của giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Bắc Hà (thành phố Hà Tĩnh) trở nên hấp dẫn, sôi động hơn.
Từ việc trang bị các phương tiện dạy học như: bảng tương tác thông minh, máy tính bảng hỗ trợ phần mềm dạy học, hệ thống âm thanh, các trang thiết bị hỗ trợ khác được kết nối đồng bộ hệ thống dữ liệu, giúp giáo viên tổ chức tiết dạy hiệu quả.
Em Hoàng Trang Nhung - lớp 5D Trường Tiểu học Bắc Hà cho biết: “Em rất hứng thú với những giờ học như thế này. Các phần mềm mà cô giáo sử dụng đã giúp chúng em có nhiều trải nghiệm thú vị trong bài học, đồng thời mở rộng kiến thức hiểu biết, giúp chúng em nắm vững kiến thức bài học sâu hơn”.
Tại thành phố Hà Tĩnh, mô hình lớp học thông minh được thí điểm ở Trường Tiểu học Bắc Hà từ năm học 2022 - 2023 và đến nay đã nhân rộng thêm ở một số trường tiểu học như: Nguyễn Du, Nam Hà...
Cô Phan Thị Ái Nga - giáo viên Trường Tiểu học Bắc Hà chia sẻ: “Mô hình này đã thực sự phát huy hiệu quả thiết thực, các giáo viên đã vận dụng tối đa các tính năng được tích hợp để mở rộng kiến thức cho học sinh, giúp các em hào hứng với giờ học và tăng kỹ năng tương tác đa chiều, phát huy năng lực của học sinh. Đặc biệt, thông qua phần mềm, giáo viên có thể giám sát và đánh giá 100% học sinh trong lớp”.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện có hiệu quả “Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018”, bằng nhiều hình thức huy động nguồn lực, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Tĩnh đã trang bị khá đầy đủ cơ sở vật chất để ứng dụng CNTT vào giảng dạy.
Theo đó, hầu hết các lớp học đều được trang bị smart tivi có kết nối internet, tạo điều kiện cho giáo viên khai thác các phần mềm, học liệu điện tử vào bài giảng.
Đến nay, gần 100% lớp học ở trường TH và THCS Sơn Hồng (Hương Sơn) đã được trang bị Smart tivi, kết nối Internet phục vụ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Thầy Nguyễn Đức Dân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng (Hương Sơn) thông tin: “Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhưng thời gian qua, bằng việc huy động nguồn lực xã hội hóa từ phụ huynh, địa phương, đến thời điểm hiện tại, 16/18 lớp học của trường đã được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, máy móc để ứng dụng CNTT vào giảng dạy.
Theo đó, 100% giáo viên đã thực hiện soạn bài giảng bằng giáo án điện tử, đồng thời khai thác các phần mềm thông minh, các học liệu điện tử để ứng dụng, minh họa thêm vào bải giảng, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Cùng với việc ứng dụng CNTT trong dạy học, phát triển kỹ năng cho học sinh, các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý điều hành.
Thầy Hoàng Quốc Quyết - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Việc ứng dụng CNTT đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công tác quản lý các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập, công tác quản lý nhân sự, trang thiết bị, cơ sở vật chất...
Hoạt động này giúp nhà trường, cán bộ giáo viên tinh giản hồ sơ, sổ sách giấy tờ, cập nhật các số liệu thông tin nhanh hơn. Từ đó, giúp công tác quản lý, xử lý và kiểm soát tình hình dạy học cũng thuận tiện, bao quát, chính xác”.
Đến thời điểm hiện tại, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số một cách hiệu quả trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và đổi mới phương thức quản trị, quản lý Nhà nước.
Cùng đó, hạ tầng, trang thiết bị phục vụ dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin tại các nhà trường cũng được đầu tư, nâng cấp ngày càng hoàn thiện.
Việc ứng dụng CNTT có hiệu quả vào hoạt động dạy học đã góp phần phần giúp giáo dục Hà Tĩnh ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn.
Từ các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT trong việc tăng cường triển khai thưc hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong ngành giáo dục, thời gian qua, hạ tầng, trang thiết bị phục vụ dạy học tin học, ứng dụng CNTT tại các nhà trường cũng được đầu tư, nâng cấp; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực; việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, quản lý điều hành đã trở thành phong trào được 100% trường học hưởng ứng.
Để thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các kế hoạch, đề án của tỉnh, đặc biệt là đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả kho học liệu số, học liệu điện tử toàn ngành; nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên thông qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn; rà soát tham mưu các điều kiện đảm bảo triển khai chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong GD&ĐT...
Thầy Nguyễn Quốc Anh-Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh