Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hệ thống đê điều toàn quốc hiện nay có tổng số 55.138 km phân bố trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố; trong đó có 2.761 km đê từ cấp III đến đặc biệt, tập trung chủ yếu ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Các tỉnh miền núi phía Bắc và và một số tỉnh Tây nguyên không có đê.
Qua đánh giá hiện trạng đê năm 2023, trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại: 288 trọng điểm, vị trí xung yếu đê điều; Trên 274 km đê thiếu cao trình thiết kế; 317 km đê mặt cắt nhỏ hẹp; Trên 185 km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 377cống dưới đê xung yếu; 233km kè bị xuống cấp, hư hỏng có diễn biến sạt lở.
Về tình hình thiên tai, tính từ đầu năm đến giữa tháng 9/2023, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai, trong đó 3 bão, 1 áp thấp nhiệt đới; 93 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 201 trận dông lốc, sét, mưa đá; 338 vụ sạt lở bờ sông; 265 trận động đất; 2 đợt rét đậm, 14 trận gió mạnh, sóng lớn trên biển và nắng nóng, hạn hán... Thiên tai đã làm 94 người chết, mất tích, 95 người bị thương; thiệt hại kinh tế trên 5.347 tỷ đồng.
Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, những tiến bộ khoa học công nghệ ngày càng được đẩy mạnh áp dụng, mang lại những chuyển biến tích cực, nhiều thuận lợi cho công tác quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai.
Công tác quản lý đê điều đã triển khai ứng dụng nhiều công nghệ số như: Flycam được sử dụng để thu thập cơ sở dữ liệu, xây dựng bản đồ hệ thống đê, theo dõi các vùng hành lang bảo vệ đê điều, bãi sông, long sông; các vị trí sạt lở bờ sông, mái đê; các trọng điểm xung yếu đê điều, sự cố đê điều do lũ, bão...
Hệ thống camera quan trắc đã nâng cao hiệu quả theo dõi mực nước, các trọng điểm xung yếu đê điều. Camera theo dõi đã được sử dụng từ rất lâu, với rất nhiều ưu điểm như: Theo
dõi từ xa, liên tục, cả ngày cả đêm; khi cần có thể xem lại, trích xuất...
Hệ thống cơ sở dữ liệu WebGIS về đê điều của 21 tỉnh thành phố có đê từ cấp III trở lên, đã cung cấp đầy đủ thông tin về các tuyến đê, công trình kè, cống, kho bãi vật tư, nhất là các trọng điểm xung yếu…
Hoặc phần mềm theo dõi mực nước theo thời gian thực, cung cấp đầy đủ các thông tin về tuyến đê, các trạm khí tượng, các thông tin về mực nước...
Đối với công tác phòng chống thiên tai, nhiều công nghệ mới cũng đã được triển khai. Chẳng hạn, với công tác phòng chống bão, những công nghệ tiên tiến (như siêu máy tính, hệ thống quan trắc vệ tinh và radar…) được áp dụng giúp nâng cao hiệu quả dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; hoặc ứng dụng các công cụ SMS, Viber, Facebook để thông tin đến chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng.
Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống bão tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như: Công tác dự báo cường độ, đường đi của bão còn hạn chế, dự báo mưa chưa chính xác; Thiếu các trạm khí tượng, thủy văn chuyên dùng tại các vị trí ven biển; Chưa có công cụ, thiết bị hiện trường, kết nối với trung tâm chỉ đạo điều hành để chủ động các phương án ứng phó; Ứng dụng công nghệ đánh giá thiệt hại do bão gây ra còn nhiều hạn chế.
Với công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất, tại Việt Nam đã ứng dụng khoa học công nghệ để lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với các tỷ lệ ngày càng chi tiết hơn, từ 1:500.000, 1:250.000, 1:100.000; 1:50.000; một số vùng đến 1:25.000. Bước đầu triển khai thí điểm một số trạm cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Tuy nhiên, bản đồ phân vùng nguy cơ vẫn còn sai số lớn. Chưa cảnh báo chính xác lượng mưa cũng như ngưỡng mưa sinh lũ quét. Chưa có hệ thống công trình phòng chống lũ quét. Mô hình dự báo đơn giản, tính chính xác không cao.
Đặc biệt, Hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng chống thiên tai còn phân tán, chưa tích hợp, chưa thống nhất được tần suất cập nhật dữ liệu, nhất là dữ liệu từ các trạm đo mưa; Chưa có hệ thống cảnh báo đa thiên tai hiện đại, đặc biệt chưa có hệ thống cảnh báo được lũ quét và sạt lở đất theo thời gian thực. Dữ liệu nền cho các phần mềm còn thiếu, dẫn đến độ chính xác của kết quả hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đại diện Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai đề xuất: “Cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến cho công tác hỗ trợ gia quyết định, giám sát, quan trắc, tuyên truyền… về quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp (trong và ngoài nước) trong đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng triển khai các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai...”.