Các ứng dụng gọi xe đã tạo ra lớp người dùng mới tại Việt Nam |
Sau nhiều năm vào thị trường Việt Nam, các ứng dụng gọi xe đã thay đổi thói quen của nhiều khách hàng. Không chỉ mang đến một mô hình kinh doanh mới, các ứng dụng gọi xe công nghệ cũng mang đến các khái niệm như “xe ôm công nghệ”, “taxi công nghệ” cùng lớp người dùng mới tại Việt Nam.
Báo cáo nghiên cứu về nhu cầu sử dụng taxi/xe ôm truyền thống và công nghệ do Q&me vừa thực hiện cho thấy, ngày càng có nhiều người Việt Nam sử dụng loại hình di chuyển mới.
Có tới 49% người dùng được hỏi cho biết thường xuyên sử dụng dịch vụ ô tô trên các ứng dụng gọi xe. Trong khi tỷ lệ người dùng taxi truyền thống là 23%.
Về tỷ lệ người dùng theo địa phương, khảo sát này cho thấy, tại TP.HCM, mức độ phổ biến của gọi xe qua ứng dụng có tỷ lệ cao nhất với 62%.
Trong khi đó, tại Hà Nội, tỷ lệ người dùng taxi công nghệ đạt 46%. Tỷ lệ người sử dụng các phương tiện taxi truyền thống tại Hà Nội cũng cao hơn đáng kể với 16%, trong khi con số tương đương tại TP.HCM là 7%.
Khảo sát cho thấy, vẫn có 28% lượng người dùng được hỏi sử dụng kết hợp cả hai loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ. Điều này cho thấy taxi truyền thống vẫn có những lợi ích riêng cho người tiêu dùng với các thương hiệu taxi phổ biến nhất hiện nay là Mai Linh, Vinasun, Vinataxi…
Đối với dịch vụ xe hai bánh, tỷ lệ người dùng các ứng dụng gọi xe cao hơn. Theo đó, tỷ lệ sử dịch vụ qua ứng dụng lên tới 50% và chỉ còn 13% người dùng còn chọn sử dụng các loại hình truyền thống. Tỷ lệ người sử dụng kết hợp cả hai loại hình chỉ ở mức 15%, thấp hơn so với loại hình xe bốn chỗ.
Trong đó, tỷ lệ người dùng ứng dụng tại TP.HCM cũng đạt tỷ lệ cao nhất với 67% còn tại Hà Nội là 48%.
Theo phân tích, điều khiến các ứng dụng gọi xe ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam bởi có nhiều lợi thế khi sử dụng thuận tiện, dễ dàng, các chương trình giảm giá, ưu đãi độc đáo và chính sách rõ ràng…
Grab đang chiếm ưu thế với lượng người dùng và loại hình dịch vụ (Ảnh: Internet) |
Grab vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong mảng dịch vụ vận tải ở cả hai dịch vụ ô tô và xe hai bánh tại thị trường Việt Nam.
Kết quả khảo sát cho thấy, ứng dụng gọi xe phổ biến nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay vẫn là Grab khi có tới trên 60% người dùng ứng dụng. Ứng dụng be đứng ngay sau Grab dù vẫn còn khoảng cách lớn so với đối thủ.
Đối với dịch vụ xe hai bánh, Grab cũng có ưu thế với khoảng 60% người dùng dịch vụ. Theo ngay sau là Gojek với 19% người dùng và be hiện đang đứng thứ 3 với tỷ lệ 18%. Loại hình dịch vụ xe hai bánh bao gồm cả dịch vụ vận tải, giao hàng và đồ ăn.
Cuộc khảo sát được Q&me thực hiện với quy mô khảo sát trên 890 người có độ tuổi từ 16 trở lên. Quy mô cuộc khảo sát không thể hiện được rõ toàn cảnh thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam, nhưng các số liệu cũng tương đồng so với nhiều nghiên cứu thị trường được thực hiện từ năm 2019 đến nay.
Nền kinh tế Internet Việt Nam đang phát triển ngày càng nhanh chóng đã thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường gọi xe công nghệ.
Doanh thu ngành gọi xe của Việt Nam có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2024 và có tốc độ tăng trưởng khoảng 16,8% (từ 2020 – 2025). Các ứng dụng như Grab, Gojek, be ngày càng trở nên phổ biến ở các thành phố lớn.
Sự gia nhập thị trường của các ứng dụng gọi xe đã chiếm phần lớn thị phần của xe ôm và taxi truyền thống.
Grab hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014 và “tấn công” thị trường bằng hàng loạt các chính sách ưu đãi, giảm giá độc đáo để thu hút người dùng và tài xế tham gia ứng dụng. Các chính sách này đã góp phần thúc đẩy nhu cầu về thị trường đặt xe dựa trên ứng dụng. Sau đó, nhiều ứng dụng khác như Gojek, FastGo, be...ra mắt và thị trường đã được thành hình và ngày càng lớn.
Trên thị trường Việt Nam, taxi và xe ôm truyền thống vẫn hiện diện, đặc biệt là ở các khu du lịch. Tuy nhiên, dịch vụ xe ôm dựa trên ứng dụng lại chiếm ưu thế với hơn 60% thị phần cả nước.
Số liệu từ nhiều công ty nghiên cứu thị trường cho thấy Grab đang chiếm khoảng 70% thị phần gọi xe trong nước. Siêu ứng dụng này cũng đang có nhiều loại hình dịch vụ nhất, phủ từ vận tải, giao hàng đến giao đồ ăn. Gojek và be cạnh tranh ở vị trí 2 và 3 nhưng còn cách đối thủ dẫn đầu một khoảng khá xa.
Duy Vũ
Cửa sống của ứng dụng gọi xe Make in Vietnam
Khi các ông lớn sẵn sàng đổ tiền để trói chân người dùng, các ứng dụng mới khó chen chân do không có tiềm lực hay tạo được sự khác biệt.