Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc vừa tuyên phạt Didi Global 8,026 tỷ NDT (1,2 tỷ USD) do vi phạm luật dữ liệu, chấm dứt cuộc điều tra kéo dài 1 năm. Từ một biểu tượng của công nghệ Trung Quốc trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, ứng dụng gọi xe này đã trở thành câu chuyện cảnh giác về những gì có thể xảy ra nếu một công ty đi chệch hướng với những gì nhà chức trách mong muốn.
30/6/2021: IPO thành công tại New York
Ngay trước kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Didi huy động được 4,4 tỷ USD từ vụ IPO tại New York, đưa giá trị công ty lên khoảng 70 tỷ USD. Từ năm 2012, ứng dụng đã gọi thành công 19,2 tỷ USD trong các vòng gọi vốn khác.
Dù vậy, Didi lại bỏ qua các chiến dịch quảng bá và ăn mừng thường thấy khi một doanh nghiệp IPO thành công, làm dấy lên những tin đồn.
2/7/2021: Trung Quốc tuyên bố điều tra Didi
Cơ quan quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) tiến hành cuộc điều tra chưa từng có với Didi vì vấn đề bảo mật dữ liệu và “an ninh quốc gia”, khiến các nhà đầu tư bị sốc. Didi bị ra lệnh dừng đăng ký người dùng mới trên ứng dụng chính.
4/7/2021: Ứng dụng Didi bị gỡ khỏi các "chợ"
CAC cấm ứng dụng chính của Didi khỏi các chợ ứng dụng vô thời hạn với lý do “vi phạm nghiêm trọng luật và quy định của đất nước thông qua thu thập và sử dụng trái phép thông tin người dùng”.
9/7/2021: Didi khiến Bắc Kinh tức giận
Theo SCMP, Didi khiến Bắc Kinh tức giận vì ngấm ngầm chống đối.
10/7/2021: Hàng chục ứng dụng liên quan bị gỡ
CAC ra lệnh cấm hàng chục ứng dụng liên quan tới Didi trên các chợ ứng dụng Trung Quốc, cáo buộc chúng thu thập trái phép dữ liệu người dùng. Chúng bao gồm các nền tảng dành cho khách hàng doanh nghiệp, tài xế Didi… CAC còn cấm các website và nền tảng cung cấp liên kết dẫn đến dịch vụ của Didi. 25 ứng dụng được ra lệnh “khắc phục triệt để các vấn đề còn tồn tại theo đúng các yêu cầu của pháp luật và tiêu chuẩn quốc gia”.
16/7/2021: Đội đặc nhiệm bắt đầu điều tra Didi
Một đội chuyên trách bao gồm đại diện từ 7 bộ ngành, trong đó có CAC, Bộ Công an và Bộ An ninh, đã đến văn phòng Didi để tiến hành điều tra. Các bộ khác tham gia thanh tra tại chỗ còn có Cơ quan Điều tiết thị trường (SAMR), Bộ Tài nguyên, Bộ Giao thông, Cục Thuế quốc gia.
29/7/2021: Didi phủ nhận thông tin tư nhân hóa
Thời báo Phố Wall đưa tin, Didi cân nhắc tư nhân hóa để xoa dịu nhà chức trách Trung Quốc và sẽ đền bù thiệt hại cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Didi phủ nhận cáo buộc trên Weibo.
4/9/2021: Didi phủ nhận thông tin Bắc Kinh đầu tư
Didi phủ nhận các bài báo về việc chính quyền Bắc Kinh đề xuất đầu tư vào công ty, đặt nó dưới quyền kiểm soát. Dẫn nguồn tin thân cận với vấn đề, ngày 3/9/2021, Bloomberg đưa tin Shouqi Group – tập đoàn có liên hệ với Bắc Kinh – và các hãng khác muốn mua cổ phần trong Didi.
7/9/2021: Didi thành lập hội đồng an ninh
Nhà sáng lập kiêm CEO Didi Cheng Wei dẫn đầu hội đồng Bảo mật dữ liệu (IDS) mới.
21/9/2021: Didi phủ nhận thông tin đồng sáng lập Jean Liu ra đi
Didi cho biết bài báo trên Reuters về việc đồng sáng lập Jean Liu rời công ty là sai sự thật và dọa thực hiện các hành động pháp lý với hành vi phát tán tin đồn ác ý.
3/12/2021: Didi thông báo kế hoạch hủy niêm yết tại New York
Trên tài khoản Weibo, Didi cho biết sẽ bắt đầu quy trình hủy niêm yết trên sàn chứng khoán New York và chuẩn bị để niêm yết tại Hong Kong.
12/1/2022: Didi đàm phán IPO tại Hong Kong
Theo SCMP, Didi Global đàm phán để IPO trên sàn Hong Kong vào quý II.
11/3/2022: Didi tạm hoãn kế hoạch IPO tại Hong Kong
Didi được cho là đã tạm dừng kế hoạch sau khi không thể trấn an nhà chức trách Trung Quốc về hệ thống xử lý dữ liệu nhạy cảm của người dùng.
4/5/2022: Didi đối mặt cuộc điều tra của SEC
Didi Global tiết lộ trong báo cáo thường niên rằng, họ cũng bị Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) điều tra về vụ IPO 4,4 tỷ USD tại New York.
23/5/2022: Đại hội cổ đông Didi chấp thuận phương án hủy niêm yết
Didi Global được thông qua phương án hủy niêm yết trong cuộc họp cổ đông đặc biệt. Chỉ trong 11 tháng, giá trị thị trường của hãng đã “bốc hơi” 60 tỷ USD, biến Didi Global thành bài học lớn cho những ai muốn đầu tư vào cổ phiếu công nghệ Trung Quốc.
12/6/2022: Didi bắt đầu giao dịch trên thị trường OTC
Cổ phiếu Didi bắt đầu giao dịch trên thị trường OTC, hai tuần sau khi cổ đông bỏ phiếu rời sàn NYSE.
21/7/2022: Khoản phạt kỷ lục
Ngoài khoản phạt 1,2 tỷ USD, hai giám đốc Didi là Will chang Wei và Jean Liu Qing mỗi người bị phạt 1 triệu NDT. Didi thông báo trên Weibo sẽ khắc phục triệt để các sai phạm.
Du Lam (Theo SCMP)