Khi dịch bệnh lắng xuống, mọi người ra ngoài nhiều hơn, Grab và các app giao đồ ăn khác đứng trước áp lực phải điều chỉnh mô hình kinh doanh để đối phó thách thức mới.
Tìm lại tăng trưởng, ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn ngày càng phổ biến
Sau thời gian ảm đạm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hãng gọi xe, giao đồ ăn đã tìm kiếm lại sự tăng trưởng trong năm 2022. Grab, Gojek, be, Baemin… không chia sẻ doanh thu cũng như mức độ tăng trưởng. Tuy nhiên, theo thống kê từ cơ quan hữu quan, các ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn này đều nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) tại thị trường Việt.
Nền kinh tế Internet Việt Nam đang phát triển ngày càng nhanh chóng, đã thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường gọi xe, giao nhận đồ ăn. Sau nhiều năm vào thị trường Việt Nam, các ứng dụng gọi xe đã thay đổi thói quen của nhiều khách hàng. Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn trên các ứng dụng gọi xe, gọi đồ ăn và giao hàng.
Theo Bộ Công thương, các ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn và vận chuyển hàng hóa Grab, Baemin, Gojek, Be… nằm trong nhóm 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT). Các doanh nghiệp này chiếm tới 95% thị phần doanh thu của các website/ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT tại thị trường Việt Nam.
Grab nằm trong top 3 ứng dụng nắm thị phần lớn nhất. Sự phát triển của các ứng dụng giao nhận cũng đưa Baemin lọt top 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần và là ứng dụng có tốc độ tăng trưởng nhanh. Gojek nằm vị trí thứ 6 trong top 10 doanh nghiệp nắm thị phần lớn nhất trong mảng cung cấp dịch vụ. Nền tảng này hiện đang cung cấp nhiều dịch vụ chở khách, giao hàng, giao đồ ăn... trong đó ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc của mảng giao đồ ăn trực tuyến. Lượng người dùng đặt món trên nền tảng GoFood tăng 66% trong nửa đầu 2022, với lượng người dùng mới tăng 35%. Ứng dụng này cũng công bố ghi nhận tổng lượng đơn hàng tăng 72% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước.
Be cũng lọt vào top 10 dù nằm áp chót. Từ một ứng dụng gọi xe ra mắt năm 2019, be đã mở rộng hệ sinh thái sang giao hàng, giao thức ăn, mua vé máy bay, bảo hiểm, gói dịch vụ viễn thông, vé số điện tử, và phát triển ngân hàng số. Hãng cho biết, đã có hơn 20 triệu lượt tải, trung bình Be xử lý hơn 10 triệu giao dịch hàng tháng, trong đó tỷ lệ khách hàng sử dụng nhiều hơn 2 dịch vụ trên nền tảng chiếm hơn 50%. Doanh thu tăng gấp đôi trong nửa đầu năm nay và bắt đầu có lãi gộp dương từ quý III/2022. Việc nhận nguồn vốn đầu tư lên tới hơn 100 triệu USD từ Deutsche Bank cũng sẽ là nguồn lực để Be đẩy mạnh các dịch vụ cốt lõi.
Những thách thức lớn
Các ứng dụng gọi xe phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2022, trong đó có cả những thách thức nội tại.
Đầu tiên phải kể tới những thách thức khi giá nhiên liệu liên tục biến động khiến áp lực đối với các tài xế taxi, xe công nghệ ngày càng trở nên lớn hơn và ảnh hưởng đến quyết định gắn bó với công việc của nhiều tài xế. Điều này cũng đẩy các app gọi xe vào thế khó khi vừa phải tìm cách giữ chân tài xế vừa phải làm hài lòng người dùng bởi mức giá hợp lý.
Các hãng gọi xe cũng phải đối mặt với việc các tài xế bỏ việc hay tắt ứng dụng vào giờ cao điểm. Thu nhập không ổn định, bị vắt kiệt sức vì làm việc nhiều giờ và áp lực chi phí nhiên liệu tăng cao khiến nhiều tài xế công nghệ bỏ việc hoặc làm ít đi trong khi nhu cầu đi lại, gọi đồ ăn hay giao nhận vẫn rất lớn. Điều này đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung - cầu và khiến người dùng chán nản, khi gọi xe hay giao đồ ăn qua các ứng dụng hiện nay có giá cao và thời gian chờ đợi lâu hơn.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại, các siêu ứng dụng như Grab, Gojek, ShopeeFood… tại Việt nam bị ảnh hưởng trước áp lực giảm các khoản lỗ và tăng trưởng từ các tập đoàn, công ty mẹ. Mảng gọi xe tăng trưởng chậm lại và bị cạnh tranh gay gắt khi các hãng taxi truyền thống đổi mới. Mảng dịch vụ giao đồ ăn, hàng hoá và đặc biệt là các dịch vụ tài chính mới là động lực tăng trưởng trong năm 2022 và các năm tiếp theo.