Người đàn ông gần 50 tuổi, vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) khám và được chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan. Đây là loại ung thư thường gặp trên thế giới và Việt Nam.
Bệnh nhân được chỉ định điều trị xạ trị chiếu trong bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 tại khoa Y học hạt nhân, nơi sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám chữa bệnh các bệnh lý ung thư và tim mạch.
Các phần mềm được tích hợp trí tuệ nhân tạo trong kỹ thuật chụp xạ hình SPECT/CT, PET/CT giúp tối ưu hóa liều lượng xạ trị chiếu trong cho bệnh nhân.
PGS.TS Lê Ngọc Hà, Chủ nhiệm khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho biết để điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ phải vẽ ra bản đồ phân bố liều, phân biệt vùng tổn thương cần tập trung liều xạ trị, vùng nào là tổ chức lành xung quanh. Việc tối ưu hóa liều lượng này đồng nghĩa với việc phải hạn chế tối đa liều chiếu xạ vào cơ quan lành, trong khi tập trung liều xạ trị chiếu trong cao nhất vào vùng có tổ chức ung thư để việc điều trị đạt hiệu quả tối đa.
“Việc lựa chọn vùng điều trị phụ thuộc vào kỹ năng, kinh nghiệm lâm sàng được tích lũy của bác sĩ; ngoài ra nhờ sự hỗ trợ tự động hoặc bán tự động của những phần mềm chuyên dụng, chính là AI, tích hợp trong các thiết bị chụp hiện đại, giúp bác sĩ vẽ ra bản đồ vùng tổn thương cần điều trị”, bác sĩ Hà cho hay.
Như vậy, AI đã giúp thầy thuốc tính toán liều lượng phù hợp, tiết kiệm thời gian. Bác sĩ thay vì loay hoay, mất nhiều thời gian trong việc xác định được vùng lành - vùng ác trong khu vực tổn thương, có tổ chức hoại tử, tổ chức ung thư, xơ hóa… Nhờ đó có thể nhanh chóng dựa vào hình ảnh được AI hỗ trợ dựng nên, để sớm xác định liều xạ trị thích hợp.
Một ví dụ khác trong lĩnh vực tim mạch hạt nhân, kỹ thuật xạ hình SPECT tưới máu cơ tim, có giá trị cao trong phát hiện, tiên lượng chẩn đoán bệnh mạch vành được cơ sở này phát triển. Tia gamma khi vào cơ tim sẽ phát ra để chụp bằng gamma camera SPECT để bác sĩ thu nhận hình ảnh từ bên ngoài.
Tuy nhiên, vì một số lý do, đầu dò ở ngoài giảm tín hiệu thu nhận do hiệu ứng suy giảm gây nên hình ảnh nhiễu tạp biểu hiện là khuyết xạ giả. Điều này có thể là “cạm bẫy” trong chẩn đoán đánh lừa bác sĩ ít kinh nghiệm nếu đưa ra phân tích nhầm là khuyết xạ do thiếu máu cơ tim.
Phần mềm AI sẽ tham gia vào việc vẽ bản đồ của hiệu ứng suy giảm, tán xạ… tránh những hình ảnh nhiễu tạp này, chỉ điểm những phần có khuyết xạ giả, phát hiện hình ảnh lỗi/nhiễu và hiệu chỉnh suy giảm.
“Nỗi ám ảnh của bác sĩ y học hạt nhân, đặc biệt là y học hạt nhân tim mạch, là dương tính giả biểu hiện hình ảnh khuyết xạ, bởi nó có thể khiến bác sĩ trẻ, những người chưa có kinh nghiệm, chẩn đoán nhầm từ không có bệnh thành có thiếu máu cơ tim. Từ đó, kéo theo chỉ định chụp động mạch vành, khiến bệnh nhân tốn kém chi phí và lo lắng”, PGS Hà phân tích.
Đây là hai trong số nhiều ví dụ về những ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y học hạt nhân mà Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang triển khai.
Theo các bác sĩ, y học hạt nhân, chụp xạ hình xương, thận, gan, phổi, tim… giúp thầy thuốc đánh giá, phát hiện bệnh ung thư và nhiều bệnh lý khác. Y học hạt nhân với hình ảnh xạ hình giúp bác sĩ lâm sàng thêm thông tin định hướng phác đồ điều trị, quyết định có dùng thuốc hay không, dự đoán kết quả, cũng là công cụ đánh giá đáp ứng điều trị...
Ngoài ra, hình ảnh y học hạt nhân cũng giúp theo dõi bệnh nhân, phát hiện sớm nguy cơ hay dấu hiệu tái phát. Vì thế, chẩn đoán hình ảnh nói chung và y học hạt nhân nói riêng đóng vai trò xuyên suốt từ chẩn đoán, quản lý bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư, bởi đặc tính quan trọng của bệnh lý này là tái phát và di căn.
Trên thế giới, y học hạt nhân không chỉ dừng lại ở chẩn đoán mà còn tham qua quá trình điều trị như I-ot 131 trong ung thư tuyến giáp, giảm đau trong ung thư di căn xương. Đây cũng là những phương pháp được thực hiện thường quy ở Việt Nam. Riêng với điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng hạt vi cầu Y-90, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong những cơ sở đầu tiên ứng dụng, bước đầu đem lại kết quả tốt.
Chia sẻ về vai trò của ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, PGS Lê Ngọc Hà cho rằng AI tác động đến công việc của người làm chẩn đoán. “AI giúp người bác sĩ chọn lựa bệnh nhân chụp xạ hình, điện quang, như lên kế hoạch chụp xạ hình cho bệnh nhân đúng chỉ định, loại trừ những trường hợp chống chỉ định; quá trình ghi hình và protocol ghi hình; tái tạo hình ảnh; phân tích và đọc kết quả hình ảnh chụp được và định hướng cho điều trị”, bác sĩ phân tích.
Vị chuyên gia cũng bày tỏ hi vọng tới đây, AI “sẽ đi xa hơn” ở vai trò quản lý số bệnh nhân sau chụp hình, lưu giữ số liệu, tham gia vào thanh toán kỹ thuật.
Điều đó có nghĩa là AI tham gia "trọn gói" từ khi tiếp nhận bệnh nhân vào khoa điện quang hoặc y học hạt nhân, đến lúc bệnh nhân kết thúc chẩn đoán và điều trị. AI vừa giúp tối ưu hóa quá trình điều trị, theo dõi, rút ngắn thời gian dòng công việc cho nhân viên y tế, hiệu quả cho cả thầy thuốc và bệnh nhân.