Hai khía cạnh ưu tiên
Ứng dụng AI vào tòa soạn hội tụ là rất cần thiết và nên được ưu tiên thực hiện theo hai khía cạnh gồm hỗ trợ độc giả và nâng cao hiệu suất công việc đội ngũ người làm báo.
Ở khía cạnh thứ nhất, AI giúp cá nhân hóa trải nghiệm của độc giả, đề xuất nội dung với từng đối tượng độc giả khác nhau. Điều này vừa có lợi cho độc giả và vừa có lợi cho tòa soạn.
Độc giả không cần mất thời gian tìm kiếm trong nguồn tin tức khổng lồ, chỉ cần truy cập vào trang báo, hệ thống sẽ phát hiện được họ là ai, sở thích tiêu thụ tin tức là gì trong khoảng thời gian truy cập, và tự động hiển thị nội dung mà độc giả đó có thể muốn xem. Chat bot sẽ cung cấp thêm thông tin báo chí thông qua giao diện trò chuyện.
Điều này cũng giúp cho trang báo có mức độ tương tác cao hơn, thời gian độc giả ở lại trang lâu hơn.
Ở khía cạnh thứ hai, AI có thể giúp nhà báo nâng cao hiệu quả trong công việc hàng ngày. Chẳng hạn, với việc điểm báo, AI giúp nhà báo biết được ở thời điểm hiện tại, xu hướng báo chí đang có những chủ đề gì, rồi tùy vào từng tòa soạn mà có thể khai thác thêm theo góc nhìn riêng của mình.
Mặt khác, AI có thể giúp nhà báo dễ dàng bóc lại băng các cuộc phỏng vấn mà không phải nghe, gõ lại thành văn bản; Kiểm duyệt bình luận tự động; Viết tự động các loại nội dung có cấu trúc như dự báo thời tiết, bình luận thể thao, đọc báo cáo tài chính; Xác định nhân vật xuất hiện trong ảnh, video để tìm kiếm và lưu trữ tư liệu báo chí dễ dàng, hiệu quả hơn…
Những điểm nhấn nổi bật của xu hướng thế giới
AI đang cải thiện các tòa soạn trên thế giới theo những cách sau:
Hợp lý hóa quy trình làm việc trên phương tiện truyền thông: AI cho phép các nhà báo tập trung vào những gì họ làm tốt nhất để thực hiện tốt nhất công việc đó. Chẳng hạn, với Juicer của BBC (một công cụ tổng hợp tin tức và trích xuất nội dung, đang theo dõi các kênh thông tin RSS của 850 hãng tin tức toàn cầu), nếu một nhà báo muốn tìm kiếm những câu chuyện mới nhất về một nhân vật nổi tiếng hoặc những bài báo liên quan đến các công ty hoạt động trong một lĩnh vực nào đó, Juicer sẽ nhanh chóng tìm kiếm và cung cấp một danh sách các nội dung liên quan.
Tự động hóa các tác vụ thông thường: Những ứng dụng như Reuter’s News Tracer có thể theo dõi tin tức nóng hổi, để nhà báo không mất thời gian vào công việc “điểm báo”.
Thu thập thêm dữ liệu: Các bài báo có thể được thực hiện nhanh hơn nếu nhà báo biết cách khai thác và sử dụng những ứng dụng như The New York Times Research and Development Lab’s Editor.
Loại bỏ tin tức giả mạo: AI có thể phát hiện các mẫu từ chỉ ra tin tức giả mạo. Việc kiểm tra sự thật diễn ra nhanh chóng và đáng tin cậy.
Tạo kết quả đầu ra: Máy tính có thể tập hợp các báo cáo và câu chuyện từ dữ liệu thô qua những nền tảng như Narrative Science’s, Quill, giúp biến dữ liệu thành câu chuyện hấp dẫn.
Trong số những cơ quan báo chí tiên phong trên thế giới ứng dụng AI vào tòa soạn hội tụ, không thể không kể tới New York Times.
Ngay từ năm 2015, tờ báo hàng đầu nước Mỹ này đã triển khai dự án AI thử nghiệm được gọi là Editor nhằm mục đích đơn giản hóa quy trình báo chí.
Nhiều năm nay, New York Times còn sử dụng AI theo một cách tiếp cận độc đáo để kiểm duyệt bình luận của người đọc, khuyến khích thảo luận mang tính xây dựng và loại bỏ hành vi quấy rối, lạm dụng.
Phần bình luận trước kia được kiểm duyệt bởi một nhóm gồm 14 người, chịu trách nhiệm xem xét thủ công hơn 11.000 bình luận hàng ngày, dù tốn rất nhiều công sức nhưng thực tế họ cũng chỉ kiểm duyệt bình luận khoảng 10% tổng số các bài báo.
Để khắc phục bất cập này, một giải pháp AI có tên The Perspective API đang được thử nghiệm. Giải pháp được phát triển bởi Jigsaw (thuộc Alphabet, công ty mẹ của Google), có khả năng sắp xếp các nhận xét của người đọc bằng cách trượt một thanh trên đầu trang từ trái sang phải. Thanh càng gần về phía bên phải, các bình luận càng trở nên độc hại. Qua đó, người dùng dễ dàng đọc và tương tác với những nhận xét mà họ quan tâm, tránh những bình luận tạo cảm giác tiêu cực.
Báo chí Việt Nam thử nghiệm công nghệ mới
Áp dụng, thử nghiệm công nghệ mới luôn được các cơ quan báo chí ở Việt Nam nhanh chóng triển khai, đặc biệt là các cơ quan báo chí có hợp tác sâu rộng với công ty công nghệ.
Qua thực tế đồng hành với các cơ quan báo chí, chúng tôi nhận thấy, rất nhiều cơ quan báo chí đã áp dụng triệt để phần mềm tòa soạn hội tụ, nhưng một trong những ví dụ điển hình nhất là Báo Đắk Nông.
Hiện tại, toàn bộ hoạt động của tòa soạn Báo Đắc Nông, từ sản xuất nội dung cho báo in, báo điện tử, kịch bản video clip, cho đến các hoạt động hành chính trị sự đều được triển khai trên một phần mềm duy nhất. Đã từ lâu, Báo Đắk Nông bỏ hẳn đọc bông trên giấy, mà đọc trực tiếp trên phần mềm tòa soạn hội tụ. Báo điện tử Đắk Nông cũng có những bước phát triển mạnh mẽ về lượng người truy cập.
Là cơ quan báo chí của một tỉnh xếp hạng 57 về dân số, nhưng từ tháng 1/2024, trong nhiều tháng liên tục, Báo điện tử Đắk Nông đứng số 1 về lượng truy cập trong hệ thống 63 cơ quan báo Đảng trên cả nước.
Theo quan sát của chúng tôi, sự mạnh dạn ứng dụng công nghệ và sự quyết tâm, nỗ lực hợp tác của toàn tòa soạn là những điều kiện cần và đủ để các cơ quan báo chí có thể triển khai hiệu quả hoạt động sử dụng AI trong tòa soạn hội tụ.
Nhân lực công nghệ chất lượng cao nói chung và nhân lực công nghệ cho các cơ quan báo chí nói riêng luôn là một bài toán rất khó. Để giải bài toán này, các cơ quan báo chí nên bắt tay và hợp tác chặt chẽ cùng các công ty công nghệ.
Khi các cơ quan báo chí sử dụng AI trong tòa soạn hội tụ, quá coi thường AI hoặc quá coi trọng AI đều là những sai lầm nên tránh.
AI là một cỗ máy, không có trái tim, không có cảm xúc, không phân biệt được đúng sai, nên cần phải được giám sát chặt chẽ trong quá trình sử dụng.
Thời điểm hiện tại, ứng dụng AI trong tòa soạn hội tụ giúp các cơ quan báo chí tiết kiệm thời gian và tiền bạc, giúp các nhà báo theo kịp xu hướng công nghệ báo chí hiện đại.
Tới năm 2025, cho dù các tòa soạn trên thế giới sẽ tiếp tục xu hướng triển khai mô hình tòa soạn số, tích hợp thêm nhiều hệ thống AI, tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng sự phát triển của AI sẽ thay thế được nhà báo. Trong tương lai, con người và AI vẫn sẽ làm việc cùng nhau, AI sẽ hỗ trợ nhà báo làm việc dễ dàng và hiệu quả hơn.
Bùi Công Duyến (Giám đốc Sản phẩm Tòa soạn hội tụ OneCMS)