Ngày 12/4, một trường tiểu học tại Hà Nội đã gửi thông báo đến các phụ huynh học sinh về việc chuyển đổi hệ thống học tập online do lo ngại các vấn đề bảo mật. Trước đó, trường này sử dụng Zoom để triển khai việc học trực tuyến ngay từ tháng 2 nhằm duy trì thói quen học tập và bổ sung kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ dịch.
Do chuyển đổi sang hệ thống học trực tuyến mới nên các giáo viên phải hướng dẫn cả phụ huynh và học sinh lại từ đầu. Zoom có ưu điểm rất dễ sử dụng, các bài giảng của giáo viên cũng được hiển thị dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi là cần thiết khi có nhiều vấn đề về an toàn, bảo mật được cảnh báo, một giáo viên chia sẻ.
Một phụ huynh cũng cho biết sau khi nhận được thông báo về việc chuyển đổi hệ thống học trực tuyến, chị cũng như các phụ huynh khác phải hướng dẫn các con đăng nhập lại từ đầu. Rất may là sau vài tuần học trực tuyến, dù ở tuổi tiểu học nhưng các con sử dụng khá thành thạo nên không có nhiều khó khăn trong việc học online nữa.
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện chương trình học trực tuyến qua Internet và truyền hình theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Nhiều trường áp dụng các phương án học online qua các phần mềm trực tuyến, trong đó Zoom là phần mềm được sử dụng phổ biến nhất.
Zoom bất ngờ nổi lên trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và nhiều quốc gia phải ban hành chính sách cách ly xã hội để giảm bớt sự lây lan virus. Nhu cầu học tập, làm việc tại nhà giúp cho ứng dụng miễn phí này trở nên nổi đình nổi đám với số lượng người dùng tăng chóng mặt.
Theo một số liệu thống kê, lượng người dùng Zoom tăng từ 10 triệu (cuối năm ngoái) lên tới 200 triệu (trong tháng 3/2020). Sự phát triển “nóng” này cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề an toàn, bảo mật của Zoom đang bị cảnh báo ở nhiều quốc gia.
Truyền thông quốc tế liên tục đăng tải các thông tin liên quan đến quyền riêng tư và các vấn đề bảo mật của Zoom. Trong đó, đáng kể là lỗ hổng nghiêm trọng có tên Zoombombing, việc Zoom gửi các dữ liệu người dùng đến Facebook hay chuyển dữ liệu cuộc gọi video đến các máy chủ đặt tại Trung Quốc…Các sự cố này đã khiến nhiều quốc gia như Mỹ, Đài Loan, Singapore... phải ra chính sách “cấm cửa” Zoom.
Tại Việt Nam, Zoom là một trong những ứng dụng được nhiều người dùng do tính ổn định, dễ thao tác. Đây cũng là 1 trong những phần mềm miễn phí được các trường học, cơ sở đào tạo tại Việt Nam sử dụng trong việc dạy, học trực tuyến. Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tiễn đã gặp không ít trở ngại.
Nhiều giáo viên và phụ huynh cho biết đã gặp phải tình huống “dở khóc, dở cười” ở các lớp học trực tuyến. Đáng chú ý là tình trạng nhiều lớp học trực tuyến trên ứng dụng này bị “quấy rối” khi học sinh tiết lộ ID và mật khẩu trên mạng xã hội.
Một số doanh nghiệp tại Việt Nam cũng bắt đầu hạn chế sử dụng Zoom cho các cuộc họp trực tuyến. Anh V.D, Trưởng phòng Marketing một doanh nghiệp cho hay: "Bắt đầu từ cuối tháng 3, chúng tôi đã không sử dụng ứng dụng Zoom để họp trực tuyến nữa mà thay bằng một số công cụ khác. Chúng tôi thực hiện chia nhỏ các nhóm làm việc, đồng thời chỉ thảo luận các vấn đề cần thiết khi họp. Chi tiết các công việc thông qua email để giảm thiểu thời gian họp trực tuyến. Với các đối tác, chúng tôi cũng thực hiện như vậy.
Nhưng không phải ai cũng được lựa chọn những ứng dụng thích hợp. Chị V.H (Vĩnh Phúc) bày tỏ dù gặp nhiều khó khăn khi sử dụng ứng dụng Zoom nhưng chị và các con không có lựa chọn nào khác bởi nhà trường và giáo viên đều chọn sử dụng ứng dụng này.
Để đảm bảo an toàn cho các lớp học trực tuyến, Bộ GD&ĐT vừa phải gửi văn bản đến Sở GD&ĐT các địa phương, các cơ sở đào tạo trên toàn quốc nhằm siết chặt hơn nữa việc dạy và học. Trong đó, văn bản của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh đến việc xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet. Đồng thời, kêu gọi các bậc phụ huynh kết hợp với nhà trường, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh học trực tuyến an toàn.