Từ tháng 4 đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng sinh hoạt, kinh doanh của người dân. Đơn cử, ngày 3/4, một đoạn bờ sông Trà Nóc qua khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy đã bị sạt lở với chiều dài 54m, ăn sâu vào bờ hơn 14m.
Vụ sạt lở làm ảnh hưởng 7 căn nhà liền kề nằm ven sông (trong đó có hai dãy nhà trọ, một căn nhà có kết cấu 1 trệt, 1 lầu).
Sáng 30/5, tại bờ sông Cái Sắn thuộc khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt xảy ra vụ sạt lở, sụt lún với chiều dài 41m, rộng 4m, ăn sâu vào mặt đường nhựa Quốc lộ 80. Hay vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào sáng 31/5 trên bờ sông Bình Thủy thuộc quận Bình Thủy làm ảnh hưởng 10 căn nhà.
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn xảy ra 3 loại hình thiên tai là: Sạt lở bờ sông (22 đợt); mưa kèm theo giông lốc (5 đợt); mưa đá (1 đợt). Các vụ sạt lở gây thiệt hại hoàn toàn và hư hỏng một phần 48 căn nhà, nhà kho của người dân, ước tổng thiệt hại gần 14,9 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kịp thời hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn; tổ chức căng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm; tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống thiên tai, hạn chế xây dựng, để vật liệu nặng nhằm giảm tải cho bờ sông, kênh rạch; triển khai thực hiện các công trình, dự án nhằm góp phần hạn chế sạt lở, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân.
Theo Ban Chỉ huy, hiện đã bước vào mùa mưa, tình trạng mưa lớn kèm theo giông lốc, sạt lở, triều cường sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, Ban Chỉ huy đang bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP Cần Thơ trong việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “4 tại chỗ” để huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp và người dân.
Tại tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh cho biết, những năm gầy đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch thường xuyên xảy ra, có chiều hướng gia tăng về cường độ lẫn phạm vi, mức độ ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn. Hằng năm, sạt lở thường xảy ra tại các huyện phía Tây của tỉnh.
Khu vực thường xuyên bị sạt lở là cặp các tuyến sông, kênh, rạch, gây ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến nhà ở, tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất của người dân. Trước tình trạng trên, tỉnh đã tập trung nguồn lực để xử lý, đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở.
Cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) là khu vực bị sạt lở rất nghiêm trọng trong thời gian qua. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã đầu tư kè chống sạt lở tại khu vực này (đoạn 1, 2). Công trình sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn sạt lở.
Tuy nhiên, sạt lở lại tiếp tục xảy ra ở những đoạn lân cận. Trước tình hình trên, trong năm 2023, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương, tỉnh đã tiếp tục đầu tư kè chống sạt lở cù lao Tân Phong đoạn 3, 4. Trong đó, xự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (đoạn 3) có chiều dài 912m.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 118 tỷ đồng. Riêng dự án kè chống sạt lở tại xã Tân Phong (đoạn 4) có chiều dài 350m, với tổng mức đầu tư 43,7 tỷ đồng. Sau thời gian tập trung triển khai thi công, 2 công trình kè này đã hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2023, giúp người dân vơi đi nỗi lo sạt lở, yên tâm sinh sống và sản xuất.
Bên cạnh đó, cù lao Tân Long (TP. Mỹ Tho) cũng xảy ra sạt lở rất nghiêm trọng. Một trong những dự án mới được triển khai là công trình kè phòng, chống sạt lở bờ sông Tiền đoạn cù lao Tân Long - tỉnh Tiền Giang thuộc dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Công trình có chiều dài khoảng 700 , với tổng mức đầu tư khoảng 62 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 10/2022. Hiện tiến độ dự án đã đạt 83% và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối tháng 7/2024.
Bên cạnh tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp, sạt lở bờ biển cũng đáng báo động trong thời gian qua. Tuyến đê biển Gò Công có tổng chiều dài 21,2km, trong đó có hơn 11,2km đê đã được xây dựng kè bảo vệ mái đê biển Gò Công.
Có bờ biển dài 254km, hệ thống sông ngòi, kênh rạch tỉnh Cà Mau dày đặc bậc nhất cả nước, với 87 cửa biển, cửa sông thông ra biển.
Những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành 55,7km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí 1.720 tỷ đồng (trong đó, bờ biển Tây 43,8km, kinh phí thực hiện 1.103 tỷ đồng; bờ biển Ðông 11,9km, kinh phí thực hiện 617 tỷ đồng); 9,2km kè bảo vệ bờ sông, kinh phí thực hiện 391 tỷ đồng.
Những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở, bước đầu gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ; công trình kè các đoạn bờ sông, cửa biển đã khắc phục được tình trạng sạt lở, đồng thời sắp xếp, chỉnh trang lại mỹ quan, trật tự xây dựng công trình, nhà ở ven sông thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Cà Mau có nhu cầu kinh phí trên 31.200 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, đê biển...
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh dự kiến đầu tư xây dựng 177 công trình phòng, chống sạt lở. Cụ thể, bờ biển có 10 công trình, bờ sông có 30 công trình, giảm thiểu xói lở có 36 công trình, đê biển có 5 công trình và đê sông có 96 công trình.
Tỉnh Cà Mau hiện có tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở là khoảng 91km, với các mức độ khác nhau. Cụ thể, bờ biển Tây sạt lở nguy hiểm 22km, bờ biển Đông sạt lở đặc biệt nguy hiểm 29,15km và sạt lở nguy hiểm 40,3km.
Riêng bờ biển Đông cho đến nay, tuyến đê biển Đông chưa được đầu tư, tốc độ sạt lở bờ biển nơi đây từ 45-50m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 80-100m/năm.
Dự báo trong vài năm tiếp theo nếu không có giải pháp bảo vệ thì sạt lở sẽ tiến sâu vào đất liền và uy hiếp đến hạ tầng bên trong; cần có các giải pháp công trình bảo vệ phòng chống sạt lở bờ biển Đông, với tổng chiều dài 69,45km.
T.Chí