Trong bài viết này, CareerViet sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về 3 bước tự điều chỉnh cuộc trò chuyện với phỏng vấn viên kém chuyên nghiệp.
Làm mọi thứ để trả lời tốt câu hỏi
Khi người phỏng vấn bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi, câu nói có vẻ không giống như thường lệ - chẳng hạn: “Ừ, bạn đã biết sự ganh đua là một phần rất lớn trong vai trò này rồi đúng không?” - đừng tỏ ra hoảng hốt. Đôi khi các nhà tuyển dụng muốn đặt vài câu hỏi “kỳ quặc” để thử phản ứng của ứng viên, từ đó phần nào đánh giá liệu bạn có thực sự phù hợp với văn hoá doanh nghiệp của họ hay không.
Lúc này, bạn hãy mỉm cười, cố gắng thư giãn và nương theo diễn biến ngay từ thời điểm bắt đầu.
Mức độ chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng ứng xử, đối đáp của bạn khi đối mặt với nhà tuyển dụng. Do đó, ứng viên nên tập luyện nhiều lần trước khi dự phỏng vấn. Bạn có thể tham khảo các câu hỏi phỏng vấn phổ biến, chuẩn bị vài câu chuyện hay cho các câu hỏi kiểm tra hành vi và làm vài nghiên cứu để vượt qua những thắc mắc kỹ thuật, câu hỏi cần số liệu dẫn chứng.
Bạn thậm chí có thể phản ứng với câu hỏi khó nhằn bằng cách “đẩy ngược quả bóng” về phía nhà tuyển dụng. Ví dụ, “Tôi thực sự chưa từng nghĩ đến tình huống này nên nếu có thể, liệu tôi có thể xem đây là một cơ hội tốt để tham khảo ý kiến tư vấn từ anh/chị?”…
Chuyển chú ý vào sự phù hợp giữa bạn với vị trí tuyển dụng
Trong vài thời điểm, tín hiệu cảnh báo buổi trò chuyện “lệch đường ray” bắt đầu lớn dần lên và đây là lúc bạn nên kiểm soát tình huống với người phỏng vấn. Chẳng hạn, khi họ dành đến hơn 2/3 thời gian nói chuyện qua điện thoại chỉ để giải thích yêu cầu của vị trí công việc hơn là tìm hiểu kinh nghiệm của bạn; hoặc khi bạn có cuộc gặp mặt mà phỏng vấn viên chỉ tập trung vào chuyện bạn từng du lịch bằng xe đạp xuyên Việt thay vì đào sâu khả năng thực hiện công việc…
Để khiến người phỏng vấn tập trung vào trình độ của ứng viên, bạn có thể thử đặt các câu hỏi như: “Anh/chị có thể cho tôi biết thêm về những kinh nghiệm mà công ty đang tìm kiếm đối với người đảm nhận vai trò này không?”; “Tôi rất muốn được anh/chị nghĩ kỹ năng quan trọng cần thiết nhất cho vị trí này là gì?”; “Những điều anh nói về công việc này thực sự thú vị. Tin rằng kinh nghiệm quản lý dự án của tôi sẽ rất phù hợp. Tôi muốn được đi sâu hơn vào các chi tiết nếu anh sẵn lòng hoặc quan tâm”...
Rất dễ để bạn “chen” vào nếu phỏng vấn viên đã hết câu hỏi, nhưng tình huống sẽ phức tạp hơn nếu họ chỉ toàn đặt sai câu hỏi. Lúc này, hãy thử lồng ghép một trong những điều này vào cuối câu trả lời của bạn, như một cách tổng kết hoặc đưa ra kết luận. Ví dụ: “… và đó là kinh nghiệm dẫn dắt đội nhóm ý nghĩa nhất mà tôi từng có được ở trường đại học. Tôi có thể chia sẻ thêm điều gì về những kinh nghiệm gần đây nhất nhằm giúp anh xác định mức phù hợp của tôi với công ty và cho vị trí này không?”.
Nhắc lại những gì bạn có thể cung cấp vào cuối buổi phỏng vấn
Nếu những nỗ lực chuyển hướng trò chuyện của bạn thất bại, bạn vẫn còn một cơ hội nữa. Vào cuối buổi phỏng vấn, khi bạn bước vào giai đoạn đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, hãy suy nghĩ cẩn thận để đưa ra những câu hỏi ý nghĩa và kết thúc phần này bằng một đoạn tự tóm tắt về trình độ và năng lực của bản thân so với vị trí tuyển dụng.
Ví dụ: “Cảm ơn anh/chị rất nhiều vì đã dành thời gian giải đáp các thắc mắc của tôi. Nó làm sáng tỏ hơn các khía cạnh quan trọng cũng như đòi hỏi cho công việc. Sau quá trình trao đổi, tôi biết rằng công ty đang tìm kiếm một người biết cách làm việc với dữ liệu, chủ động và phát huy tốt năng lực trong môi trường đội nhóm. Với kinh nghiệm 3 năm trong vai trò tư vấn kinh tế, tôi đã có rất nhiều cơ hội lớn để toả sáng trong lĩnh vực này. Tôi thực sự muốn được mang những thế mạnh cùng với kỹ năng được rèn luyện đó đến làm việc và góp sức cùng công ty”.
Một người phỏng vấn quá yếu kém hẳn sẽ gây rắc rối, chán nản cho ứng viên. Nhưng bạn hãy bình tĩnh và kiểm soát tình hình trong chừng mực, song không nên quá lấn át, “cầm trịch” quyền dẫn dắt cuộc trò chuyện.
Vĩnh Phú