PGS.TS Phạm Hoàng Hà- Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hoá, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) - cho hay ung thư dạ dày là bệnh lý nguy hiểm, dễ di căn. Tại Việt Nam, loại ung thư này gặp ở nam giới cao hơn nữ. Cụ thể, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày trên 100.000 dân ở nam giới là 12, trong khi ở nữ là 9.
Trên thế giới, đặc biệt khu vực châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia có tỷ lệ dân số mắc bệnh lý ung thư dạ dày cao nhất, lần lượt là 40 và 27 ca trên 100.000 dân.
Ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hoá, trước đây bác sĩ thường gặp bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, nay mới 30 tuổi cũng đã phải mổ ung thư dạ dày. Không ít bệnh nhân trẻ tuổi tình cờ phát hiện sớm ung thư dạ dày dù không có triệu chứng, chỉ qua các lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Dù vậy, phần lớn bệnh nhân mắc ung thư dạ dày thường đến khám ở giai đoạn muộn, ung thư đã di căn, thâm nhiễm xâm lấn rộng, việc điều trị không thể triệt để.
Ung thư dạ dày dù nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi hẳn nếu được phát hiện sớm. Theo PGS Hà, nếu phát hiện, điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh cao đến 72-92% với khối u nhỏ. Phát hiện càng muộn, tỉ lệ khỏi giảm dần.
Với nhóm bệnh nhân phát hiện ung thư dạ dày từ các triệu chứng sớm, khối u có kích thước nhỏ, họ thường có triệu chứng mơ hồ, không rõ ràng, ăn vào một chút cũng đầy bụng, chậm tiêu, đây là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh.
"Bình thường ăn một chút chỉ 15 phút là tiêu hoá được, bệnh nhân ung thư dạ dày có thể 2-3 tiếng vẫn chưa tiêu hoá hết, rất khó chịu" - PGS Hà nói thêm những dấu hiệu sớm của ung thư dạ dày là bệnh nhân khó chịu vùng bụng trên rốn, đau tức, đau nhẹ, không phải cơn đau dữ dội, quằn quại. Một số bệnh nhân thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt đặc biệt khi thay đổi tư thế.
Khi ung thư ở giai đoạn tiến triển (có di căn hoặc biến chứng), bệnh nhân bị chướng bụng, thậm chí nhìn từ ngoài còn giống đang mang thai, hoặc sờ thấy trên cổ nổi hạch.
Khi ung thư biến chứng, bệnh nhân thấy có chảy máu, đó là khi khối u trong lòng dạ dày đã "ăn" vào mạch máu, làm đứt mạch máu khiến bệnh nhân nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen như nhựa đường. Biến chứng khác là khối u lớn có thể bịt mất đường ra của dạ dày, khiến bệnh nhân phải nôn ra ngoài.
Nhiều bệnh nhân K dạ dày cũng có biến chứng thủng thành dạ dày, dịch dạ dày chảy vào ổ bụng khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội, sốt cao, phải mổ sớm trong 48 tiếng.
Ai nên nội soi dạ dày?
Theo PGS Hà, với nhóm người có yếu tố nguy cơ, có các dấu hiệu bệnh dạ dày thì 100% được chỉ định nội soi. Hiện hầu hết bệnh nhân nội soi tiêu hoá được thực hiện với sự hỗ trợ gây mê, hoàn toàn không có hại kể cả với trẻ em.
"Người có nguy cơ bao gồm tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày, tuổi cao, bản thân có tổn thương dạ dày như nhiễm khuẩn HP, teo niêm mạc dạ dày thì nên 1 năm đi nội soi 1 lần" - PGS Hà nói với người không có nguy cơ được khuyến cáo mỗi năm nên đi nội soi dạ dày đại tràng một lần khi qua tuổi 55.
Chia sẻ trước khi diễn ra chương trình khám, tư vấn miễn phí về bệnh ung thư dạ dày vào ngày 24/9 tới đây, PGS.TS Phạm Hoàng Hà cho biết, nhận biết được các dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày và tầm soát sức khỏe định kỳ giúp người dân phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm, từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả.