Mỗi năm Việt Nam có thêm gần 6.300 ca ung thư máu mới, riêng Viện Huyết học phát hiện khoảng 1.500 ca gồm cả trẻ em và người lớn. Khoa Điều trị hoá chất của Viện thường xuyên có 250 bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính đang điều trị.
Theo Globocan 2020, mỗi năm Việt Nam phát hiện thêm gần 6.300 ca mắc ung thư máu mới, hơn 4.700 ca tử vong vì bệnh này. Đây là một trong 7 bệnh ung thư có số ca mắc mới cao nhất Việt Nam.
Chia sẻ bên lề Hội thảo khoa học Huyết học và truyền máu toàn quốc ngày 24/11, TS Bạch Quốc Khánh – nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết một số thông tin về điều trị ung thư máu.
Viện đã ghép tế bào gốc cho gần 600 ca mắc bệnh máu ác tính, trong đó khoảng 400 ca ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài (từ anh em ruột, máu dây rốn hoặc bố mẹ).
"Tiên lượng sống của các bệnh nhân ung thư máu tuỳ theo từng mặt bệnh. Nếu chỉ điều trị hoá trị liệu đơn thuần, tỉ lệ sống thêm trên 5 năm chỉ 20%, nâng lên 50% với ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài" - TS Khánh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, ghép tế bào gốc không phải là biện pháp chữa khỏi ung thư máu mà là phương pháp giúp người bệnh vượt qua các đợt điều trị hoá chất liều cao, mạnh.
"Hoá trị liệu là phương pháp cơ bản điều trị ung thư. Liều càng cao, mạnh thì càng hi vọng diệt được nhiều tế bào ung thư, kéo dài sự sống. Tuy nhiên, tác dụng chính càng nhiều thì tác dụng phụ càng cao. Ghép tế bào gốc tạo máu giúp giảm tác dụng phụ của hoá trị liệu" - ông phân tích thêm.
Các phương pháp điều trị khác để tăng tác dụng chính, đặc hiệu và ít tác dụng phụ như sáng chế ra các thuốc nhắm đích và tế bào trị liệu đang được tích cực phát triển. Theo TS Khánh, trong tương lai 2 phương pháp này sẽ thay thế điều trị hoá chất. Tại Mỹ, một số phác đồ đã hoàn toàn dùng thuốc nhắm đích mà không có hoá trị.
Với thuốc nhắm đích khi đưa vào người sẽ nhắm trúng tế bào ung thư để tiêu diệt tận gốc, không độc như hoá trị liệu. "Phương pháp tế bào trị liệu mang lại hi vọng điều trị khỏi ung thư máu. Tỷ lệ bệnh nhân mắc một số bệnh ung thư máu điều trị biện pháp này có thể sống thêm trên 10 năm lên tới 70-80%" - TS Khánh cho hay.
Đến nay, Viện Huyết học đã triển khai khá tốt biện pháp thuốc nhắm đích, một số thuốc được bảo hiểm thanh toán. Với tế bào trị liệu, Viện đang hợp tác chuyên gia nước ngoài để chuyển giao công nghệ, phát triển liệu pháp truyền cho bệnh nhân tế bào đặc hiệu nhiều hơn, đó là những tế bào lympho có thẩm quyền miễn dịch, có thể tiêu diệt được tế bào ung thư.
Triệu chứng ban đầu của ung thư máu cấp tính, chẩn đoán bệnh bằng cách nào?
- Sốt kéo dài, dễ nhiễm trùng, ra nhiều mồ hôi đêm.
- Gầy sút cân nhanh, xanh xao, mệt mỏi.
- Gan to, lá lách to, hạch to, phì đại lợi, đau xương.
- Xuất huyết trên da, chảy máu khó cầm…
Đa số các thể ung thư máu có thể phát hiện thông qua xét nghiệm máu. Một số trường hợp đặc biệt như: số lượng tế bào bạch cầu quá thấp, làm xét nghiệm máu chưa có đủ số lượng tế bào để chẩn đoán chắc chắn ung thư máu. Khi đó, phải làm thêm một số xét nghiệm liên quan miễn dịch di truyền, ưu tiên bệnh phẩm dịch tủy xương (cần chọc tủy). Để chẩn đoán ung thư máu, bệnh nhân thường làm xét nghiệm huyết tủy đồ.
Có nên gửi máu cuống rốn dự phòng điều trị bệnh hiểm?
Gửi tế bào gốc máu dây rốn nhằm dự phòng điều trị một số bệnh bẩm sinh cần dùng máu dây rốn (như bệnh não) tuy nhiên chỉ mới là nghiên cứu, chưa đưa vào thường quy. Đa số các trường hợp khác, như các bé bị bệnh ác tính, ung thư, lại không sử dụng được máu dây rốn vì không biết các tế bào đó có bình thường hay không, và phải dùng tế bào gốc máu dây rốn các trường hợp khác để ghép cho các cháu. Do đó, theo TS Khánh, không cần thiết phải gửi máu dây rốn.
Theo thống kê của thế giới cách đây vài năm, có khoảng 5-6 triệu đơn vị máu dây rốn được gửi nhưng số lượng sử dụng chưa đến 1.000 đơn vị.
Đau tức bụng, khó chịu, anh S. (38 tuổi, ở Quảng Ninh) đi khám phát hiện u sau phúc mạc. Sợ mổ đau, anh tự uống thuốc, nửa năm sau bác sĩ chẩn đoán khối u tiến triển thành ác tính.
Xét nghiệm máu có phải là cách tầm soát hiệu quả một số loại ung thư phổ biến như ung thư đại tràng, dạ dày, cổ tử cung... hay không? (Chị Lê Thị Giang, TP.HCM)