Ung thư tinh hoàn chỉ chiếm khoảng 1% tổng số ca ung thư ở nam giới nhưng lại là một trong những bệnh ác tính nhất ảnh hưởng đến nhóm 15-35 tuổi.
Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) chỉ trong 2 năm đã tiếp nhận điều trị hơn 140 bệnh nhân ung thư tinh hoàn, hầu hết đều còn rất trẻ, có ca chỉ mới 16, 19 tuổi. Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng từng điều trị cho những ca ung thư tinh hoàn chỉ mới học lớp 10. Bệnh lý ác tính này làm giảm sức khỏe, giảm chất lượng sống, hiếm muộn và có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn vẫn chưa rõ ràng. Bệnh xảy ra khi các tế bào bất thường của tinh hoàn phân chia và phát triển không thể kiểm soát. Trong một số trường hợp, khối u lành có thể tiến triển thành ung thư.
Ai có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn?
Bác sĩ Nguyễn Duy Khoa, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết, có 5 yếu tố nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn.
- Người có tinh hoàn ẩn: Khoảng 3% bé trai có tinh hoàn không xuống bìu khi sinh ra, gọi là tinh hoàn ẩn. Nếu không được phát hiện và phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu sớm, nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao gấp 2,5-14 lần so với người bình thường.
- Gia đình có tiền sử bị ung thư tinh hoàn: Những người có cha hay anh em trai bị ung thư tinh hoàn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- HIV: Một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân nhiễm HIV gây suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn.
- Tiền sử ung thư tinh hoàn: Khoảng 3-4% bệnh nhân ung thư tinh hoàn sau khi được chữa khỏi có thể xuất hiện ung thư tinh hoàn ở bên còn lại.
- Chủng tộc: Nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn ở đàn ông da trắng cao gấp 4 - 5 lần so với đàn ông da đen và châu Á.
Ngoài ra, theo bác sĩ Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), người từng bị chấn thương ở vùng tinh hoàn cũng có nguy cơ bị ung thư bộ phận này cao hơn. Theo Bệnh viện Bình Dân, người teo tinh hoàn hay có mẹ trong lúc mang thai sử dụng các thuốc nội tiết (DES, estrogen) cũng có nguy cơ cao hơn.
Triệu chứng thường gặp nhất của ung thư tinh hoàn là bệnh nhân sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau hoặc thấy “hạt cà” to lên bất thường. Các triệu chứng khác có thể gặp là: đau âm ỉ vùng bẹn bìu, bụng dưới; cảm giác nặng hay căng tức bìu. Khi ung thư đã di căn, người bệnh còn thấy đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng, đau hông. Nam giới nếu gặp các triệu chứng này cần đi khám ngay, thay vì chần chừ, chủ quan.
Phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư tinh hoàn
Biết tự khám tinh hoàn là cách phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh mà nam giới trên 15 tuổi cần được hướng dẫn.
- Sau khi tắm bằng nước ấm, da vùng bìu đang mềm, nam giới đứng trước gương tự kiểm tra để tìm dấu hiệu da bìu phù nề.
- Đặc biệt chú ý đến kích cỡ, hình dáng và độ lớn của tinh hoàn. Dùng tay khám từng bên “hạt cà”, dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt dưới tinh hoàn, ngón cái để trên tinh hoàn, lăn các ngón tay nhẹ nhàng để tìm các u cục bất thường. Nên cảnh giác với những cục nhỏ dưới da như mụn cơm trước hoặc dọc theo tinh hoàn.
- Tìm mào tinh hoàn và kiểm tra, đó là phần mềm nằm phía sau tinh hoàn, đây là nơi giúp tinh trùng trưởng thành.
Ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện và điều trị sớm tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 95%. Theo thống kê tại Mỹ, năm 2018 có 8.500 trường hợp ung thư tinh hoàn, nhưng chỉ có 350 ca tử vong.
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần chú ý phát hiện sớm tinh hoàn ẩn cho trẻ, đưa đi khám để có chỉ định can thiệp phù hợp.
Thanh Hiền