Năm nay, ngành Y có 43 ứng viên được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn, trong đó có 7 ứng viên đạt chuẩn giáo sư và 36 ứng viên đạt chuẩn phó giáo sư. Số lượng GS, PGS được công nhận của ngành Y chỉ đứng sau ngành Kinh tế và liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm.
Theo GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Y, rút kinh nghiệm những năm trước bị "búa rìu dư luận", năm nay Hội đồng làm rất kỹ.
GS Phước nói rằng từ trước tới nay, ngành Y có một đặc điểm khác với các ngành khác, không phải chuyện tình cảm nhưng là y đức. Vì vậy, việc xét GS, PGS vấp phải chuyện là đôi khi Hội đồng cơ sở ở các trường đại học dễ dàng chấp nhận ứng viên. Có ứng viên không đủ tiêu chuẩn nhưng Hội đồng cơ sở vẫn đẩy lên để Hội đồng giáo sư ngành Y xét duyệt.
Hội đồng ngành Y khi xem xét biết rất rõ ứng viên này làm gì tốt, làm gì chưa tốt và các vấn đề chủ yếu liên quan đến các minh chứng như giờ dạy, thỉnh giảng. Đôi khi, dù minh chứng không đầy đủ Hội đồng vẫn "cho qua", nhưng sau khi bị dư luận bàn tán đã rút kinh nghiệm.
Một vấn đề nữa, theo GS Đặng Vạn Phước, là sự liêm chính khoa học liên quan đến những bài báo đăng tải trên tạp chí quốc tế. Chính bản thân các ứng viên đôi lúc không nhận ra rằng tạp chí nào gian lận. Rút kinh nghiệm từ năm trước ứng viên bị phát hiện rồi phải sửa đổi, năm nay ngành Y làm chặt ngay từ đầu.
“Tôi đã nhấn mạnh các hội đồng cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng ngành. Tôi cũng đề nghị có chế tài với những hội đồng cơ sở quá dễ dãi hoặc có ý thức muốn đẩy "trái banh" lên Hội đồng ngành để Hội đồng ngành mang tiếng loại ứng viên. Nếu Hội đồng cơ sở nào làm không tốt sẽ không công nhận Hội đồng nữa, như vậy các hội đồng cơ sở sẽ làm kỹ hơn, ứng viên nào không được sẽ bị loại ngay từ đầu” - GS Phước nói.
Còn ở Hội đồng giáo sư ngành, GS Đặng Vạn Phước cho biết ông đã thắng thắn rằng “đừng để lên Hội đồng giáo sư nhà nước tuýt còi. Sẽ rất "quê" nếu khi đưa ra Hội đồng nhà nước mọi người lại bàn tán là cái này cái kia không đủ vì án tại hồ sơ. Cho nên Hội đồng ngành thực hiện phản biện và xem xét rất kỹ lưỡng các minh chứng, nếu phát hiện ứng viên đăng bài trên các tạp chí săn mồi, gian lận là loại ngay.
“Tôi cũng nói với anh em rẳng hồ sơ của mình thiếu, non cái gì thì đừng làm nữa, đừng cầu mong hay xin được giải trình hay ân huệ gì vì đây là học hàm” - GS Phước nói.
Ban đầu ngành Y có hơn 50 hồ sơ ứng viên GS, PGS, nhưng khi xem lại một số ứng viên xin rút, đi tới vòng cuối cùng có 43 ứng viên và tất cả đều được Hội đồng giáo sư nhà nước tín nhiệm.
Tuy nhiên, theo vị Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Y, những năm trước có hiện tượng khi ứng viên nộp hồ sơ, Hội đồng cơ sở là các cơ sở đào tạo đã không chấp hành và không công nhận các minh chứng (chủ yếu giờ giảng dạy) cho ứng viên. Do vậy, khi hồ sơ xét tuyển đưa lên thì bắt lỗi nhưng lỗi này không phải của ứng viên mà là cơ sở đào tạo, nếu loại ứng viên thì rất oan. Vì vậy, năm nay, Hội đồng Giáo sư ngành Y đã tập huấn khá kỹ, đồng thời có công văn đề nghị các cơ sở đào tạo chứng nhận các minh chứng cho các ứng viên, tránh trường hợp các ứng viên phải đi "quỵ luỵ" các trường để được chứng nhận.
Đặc biệt, ở ngành Y có 1 ứng viên 3 năm liên tục làm hồ sơ đăng ký xét giáo sư, và năm nay hồ sơ của ông đã được Hội đồng giáo sư nhà nước tín nhiệm.
GS Đặng Vạn Phước nhận xét vấn đề của ứng viên này nằm ở việc làm hồ sơ xét tuyển. Năm đầu tiên, ứng viên khai quá nhiều bài báo vì nghĩ rằng càng nhiều thì càng tốt, càng giỏi. Hồ sơ của ứng viên không được chấp nhận vì câu hỏi đặt ra là tại sao lại tập trung quá nhiều bài báo trong một tạp chí. Đến năm thứ hai, ứng viên cũng bị chuyện này nên không được chấp nhận. Năm nay, ứng viên này đã rút kinh nghiệm sửa lại hồ sơ, tiết chế và đưa số lượng bài báo vừa phải, đủ minh chứng nên được xét duyệt.
“Ứng viên này là người rất xứng đáng đạt chuẩn giáo sư nhưng các năm trước không được xét duyệt do sự vụng về trong cách làm hồ sơ chứ không phải vì vấn đề gì” - GS Phước khẳng định.
Giáo sư trẻ nhất năm 2022 là ai?
383 ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2022