Hỗ trợ kịp thời sau bão lũ
Hoàn lưu bão số 4 vừa qua đã gây nhiều thiệt hại tại 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Tĩnh, khiến hơn 11.000 ngôi nhà bị sập. Chưa kể, trận sạt lở đất, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã khiến hàng chục nhà bị cuốn trôi, ngập trong biển nước, một số khu dân cư bị cô lập…
Nhằm giúp các chị em phụ nữ và gia đình tại những khu vực chịu ảnh hưởng do bão lũ có thể sớm vượt qua khó khăn, sớm quay về với cuộc sống thường ngày, Unilever Việt Nam đã nhanh chóng phối hợp cùng Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ nữ tỉnh Nghệ An đến thăm hỏi, động viên tinh thần và trao quà cho 22 hộ gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ tại địa bàn Kỳ Sơn, Nghệ An.
Đồng thời, chuyến đi còn hỗ trợ quà tặng đến 2.000 hộ gia đình tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Tất cả đều là những sản phẩm chăm sóc cá nhân và chăm sóc nhà cửa từ Unilever, với mong muốn hỗ trợ các chị em và gia đình có thể chăm sóc sức khỏe bản thân và vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sau bão lũ. Tổng giá trị sản phẩm hơn 800 triệu đồng.
“Sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức đồng hành như Unilever rất ý nghĩa, kịp thời góp phần cùng tỉnh Nghệ An, huyện Kỳ Sơn giúp bà con vùng lũ sớm ổn định cuộc sống”, chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Chịu ảnh hưởng bởi đợt bão lũ vừa qua, chị Lâm Thị Hồng - bản Hòa Sơn - xã Tà Cạ - huyện Kỳ Sơn cho biết: “Những động viên, chia sẻ, hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các nhà tài trợ phần nào giúp chúng tôi vượt qua nỗi đau mất mát và giảm bớt gánh nặng để bắt tay vào xây dựng lại cuộc sống.”
Cải thiện điều kiện làm việc và sức khỏe
Bên cạnh hỗ trợ phụ nữ trong những hoàn cảnh khó khăn do thiên tai gây ra, Unilever Việt Nam còn chú trọng nâng cao điều kiện làm việc, cải thiện sinh kế và sức khỏe, đời sống cho phụ nữ, điển hình là những lao động nữ thu gom rác thải trong khối phi chính thức.
“Đây là công việc nặng nhọc, điều kiện lao động còn lạc hậu, không bảo hộ, chủ yếu làm bằng thủ công, tư liệu lao động thô sơ...”, bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam chia sẻ trong lễ tôn vinh phụ nữ làm nghề ve chai gần đây.
Vì vậy, theo đại diện Unilever Việt Nam, việc tạo điều kiện để các chị em tham gia vào các chương trình, hệ thống thu gom phế liệu sẽ góp phần trao quyền, trao cơ hội cho phụ nữ phát triển, tạo giá trị gia tăng tích cực cho xã hội và cộng đồng, từ đó nâng cao vị thế của nữ giới trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy cam kết bình đẳng giới - đây cũng là một cam kết quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững mà Unilever Việt Nam luôn theo đuổi.
Từ góc độ này, Unilever Việt Nam đã tiên phong triển khai chương trình “Hồi sinh rác thải nhựa” cùng đối tác VietCycle, hướng đến mục tiêu phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải nhựa nhằm thúc đẩy mô hình Kinh tế tuần hoàn, đồng thời nâng cao điều kiện làm việc, an toàn lao động, sức khỏe và cuộc sống cho lao động nữ phi chính thức trong chuỗi giá trị.
Bước đầu, sáng kiến này từ Unilever Việt Nam đã thành công xây dựng hệ thống thu gom trên địa bàn Hà Nội thông qua tuyển chọn và xây dựng các đại lý thu gom trên đường phố, các trạm thu gom lớn, mạng lưới lao động ve chai tự do với hơn 1.200 người lao động, đồng thời phân loại và thu gom hơn 12.000 tấn rác thải nhựa trong thời gian qua.
Chương trình cũng đã triển khai các hoạt động huấn luyện - truyền thông đến các hội thu gom, trạm thu gom, đại lý ve chai, và người lao động ve chai tự do, giúp mọi người nắm bắt các thông tin về việc đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn lao động, và hỗ trợ thiết bị bảo hộ trong quá trình thu gom rác thải nhựa. Điều này giúp cải thiện sức khỏe và nâng cao điều kiện sống cho người lao động.
Thúy Ngà