Theo Thạc sĩ, bác sĩ Cao Ngọc Tuấn, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chức năng của tuyến tụy là tiết ra các enzyme cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Viêm tụy cấp là tình trạng viêm và tự hủy mô tụy cấp tính, do chính  men tụy gây ra, dẫn đến các biến chứng tại chỗ và toàn thân.

“Viêm tụy cấp có biểu hiện từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong”, bác sĩ Tuấn cảnh báo.

{keywords}
Chúc tết thường đi kèm với thói quen uống bia, rượu.

Đáng nói, phần lớn các trường hợp cấp cứu vì viêm tụy cấp có nguyên nhân từ uống rượu bia quá đà. Điều này đặc biệt nguy hại trong những ngày nghỉ tết, người dân thường chúc tụng với thức uống có cồn.

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là đau bụng, chiếm khoảng 90%, chủ yếu là đau vùng thượng vị. “Cơn đau dữ dội, xảy ra đột ngột sau một bữa ăn thịnh soạn nhiều chất đạm, nhiều mỡ hoặc sau khi uống nhiều rượu bia”, bác sĩ Cao Ngọc Tuấn giải thích.

Người bệnh đau kéo dài liên tục hoặc từng cơn, đau lan ra sau lưng hoặc lan sang hạ sườn 2 bên, giảm đau khi gập người lại. Cơn đau này rất dễ bị nhầm với đau do viêm dạ dày.

Trong khi đó, khoảng 70% người bệnh bị nôn và buồn nôn. Bệnh nhân thường nôn ra dịch mật, dịch dạ dày hoặc có khi ra máu. Ngoài ra, người bệnh có thể chướng bụng hoặc kèm theo rối loạn ý thức, tụt huyết áp, đi tiểu ít…

Đáng chú ý, cơn đau viêm tụy cấp thường bị nhầm với đau dạ dày, khiến người bệnh bị biến chứng, chậm cấp cứu hoặc suy đa tạng. Theo BS. Tuấn, điểm khác biệt là cơn đau do viêm tụy cấp sẽ không thuyên giảm kể cả khi sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc điều trị đau dạ dày.

{keywords}
Chế độ ăn, uống, vận động rất quan trọng trong việc bảo vệ tuyến tụy.

Bên cạnh rượu bia,  viêm tụy cấp còn có thể do người bệnh bị sỏi đường mật, nhiễm giun sán, tăng triglyceride máu, chấn thương vùng bụng từ ngoài; tăng canxi huyết hoặc do sử dụng một số loại thuốc.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa viêm tụy cấp: Cần xem xét phẫu thuật cắt túi mật nếu sỏi mật là nguyên nhân gây ra viêm tụy; cần tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần; không được uống rượu, bia và uống đủ nước; chia nhỏ bữa ăn; bữa sáng phải có rau xanh ăn kèm; không hút thuốc lá; hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ; vận động thể lực khoảng 60 phút/ngày, 4 ngày/tuần...

Với người đã bị viêm tụy cấp phải nhập viện điều trị hoặc phẫu thuật, cần bổ sung các thực phẩm giúp nhanh hồi phục như sau:

Bông cải xanh:  Có hàm lượng cao các hợp chất chứa lưu huỳnh, giúp giải độc cho các cơ quan và giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy.

Nấm: Một số loại nấm như nấm mỡ, nấm đùi gà, nấm hương, mộc nhĩ có chứa các hợp chất chống viêm mạnh mẽ, có thể làm giảm viêm và sưng quanh tụy.

Khoai lang: Có công dụng nhuận tràng vì chứa nhiều chất xơ. Ngoài ra, khoai lang còn có chứa beta-carotene và là nguồn cung cấp vitamin A, C và B.

Nho: Rất phù hợp cho người mắc bệnh viêm tụy cấp.

Sữa chua không đường: Trong sữa chua có chứa axit lactic, làm tăng lợi khuẩn đường ruột, giảm các hoạt tính gây hại cho đường ruột.

Linh An