Những ngày gần Tết Nguyên đán, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tiếp nhận cấp cứu nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu. Trong đó, không ít trường hợp để lại di chứng nặng nề.
TỔN THƯƠNG NÃO, SUY THẬN VÌ "MA MEN"
Sáng 12/1, nằm trên giường bệnh, cô gái 19 tuổi, trú tại Hà Nội, đã tỉnh nhưng vẫn còn mệt mỏi. Trước đó, nữ bệnh nhân uống cocktail với bạn ở quán. Do uống nhiều nhưng không ăn, khi về nhà cô gái này cảm thấy mệt mỏi, đau đầu. Thay vì tìm đồ ăn để lót dạ, bệnh nhân lại lên giường đi ngủ. Đến đêm, cô cảm thấy mệt mỏi, nôn nhiều, gia đình lập tức đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Một trường hợp khác là nam thanh niên 25 tuổi, cũng phải nhập viện sau chầu nhậu đêm với bạn bè vì "uống nhiều nhưng không ăn". Khi trở về nhà, anh tiếp tục bỏ bữa và đi ngủ luôn. Sáng hôm sau, thanh niên này không thể dậy, người mệt mỏi và phải nhập viện gấp.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, thông tin cả hai trường hợp này đều nhập viện trong tình trạng nhiễm toan chuyển hóa, đường huyết giảm. Hiện bệnh nhân tỉnh nhưng vẫn mệt. Các bác sĩ đang xét nghiệm định lượng kiểm tra methanol trong rượu.
Vị chuyên gia này chia sẻ không chỉ rượu chứa methanol, ngay cả sản phẩm nguồn gốc rõ ràng cũng hoàn toàn có thể dẫn đến ngộ độc. Bởi hiện nay, rất nhiều trường hợp, đặc biệt là người trẻ tuổi, uống nhiều rượu nhưng không ăn, gây ra tình trạng “no giả”, nghĩa là cảm giác bụng no nhưng rỗng, không có năng lượng.
Sau khi uống rượu, mọi người thường tiếp tục bỏ bữa, đi ngủ luôn. Đồng thời, gia đình khi thấy người uống rượu say ngủ cũng thường không đánh thức. Điều đó khiến chỉ số đường huyết của người bệnh giảm sâu. Một số trường hợp đường huyết bằng 0 do rượu gây hạ đường máu, dẫn tới bất tỉnh, tổn thương não.
Ngoài ra, trong quá trình thăm khám, bác sĩ Nguyên cũng gặp nhiều trường hợp do uống quá nhiều rượu, cơ thể không thể tiếp tục dung nạp dẫn tới nôn nhiều, gây tình trạng tụt huyết áp, suy thận, mất nước, thậm chí ảnh hưởng dạ dày, thực quản…
Bác sĩ cũng dẫn chứng có trường hợp uống rượu say, nôn, mất nước nhiều, nằm li bì, cơ bắp bị tì đè dẫn đến tổn thương, tiêu cơ vân, suy thận. Không chỉ vậy, bệnh nhân uống rượu nhiều, triền miên từ ngày này sang ngày khác gây ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể như gan, thận, thần kinh…
HÀNH ĐỘNG DỄ GÂY NGUY HIỂM KHI UỐNG RƯỢU
Triệu chứng ngộ độc rượu thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, mà hầu hết bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch sau đó. Nếu không được nhập viện điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.
Những trường hợp nặng, đặc biệt là người bị ngộ độc methanol, dù may mắn được cứu sống nhưng có thể đối mặt với di chứng về thần kinh, thị giác và chi phí điều trị rất tốn kém.
“Rượu là chất làm thần kinh mất khả năng kiểm soát. Chúng ta cần hạn chế tối đa uống bia rượu, ở cả nam và nữ”, TS.BS Nguyên khẳng định.
Ngoài việc hạn chế uống rượu, thời điểm sử dụng đồ uống có cồn này cũng rất quan trọng. Theo chuyên gia, tốt nhất, người dân nên uống sau giờ làm việc và không điều khiển phương tiện giao thông.
Các đối tượng khó kiểm soát bản thân, phụ nữ, trẻ em, người có bệnh lý về hô hấp, thể trạng suy giảm… không nên uống rượu. Bởi các đối tượng này thường bị ngộ độc nặng, tương tác với thuốc đang sử dụng. Nam giới trưởng thành mỗi ngày không nên quá 50 ml rượu 40 độ, nữ giới chỉ nên tiêu thụ một nửa số lượng trên. Với bia, nam giới khoảng 400 ml loại 5 độ, nữ giới tương đương một nửa.
TS.BS Nguyên cũng lưu ý việc ăn đầy đủ khi uống rượu cũng rất quan trọng, nên lựa chọn các món có nguồn gốc từ tinh bột để tránh hạ đường huyết như cơm, cháo... Khi khó kiểm soát bản thân, mất thăng bằng, đi lại loạng choạng, người dân phải dừng ngay việc uống chất có cồn.
Với trường hợp say rượu, nếu ngủ quên, người thân cần chủ động đánh thức, cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân lâu không tỉnh hoặc không thể ăn uống hoặc ăn vào là nôn, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.