Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho hay, TP đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư vào các khu chế xuất - khu công nghiệp nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu tâm như đất đai, mặt bằng, hạ tầng đô thị,...
Ông Bé dẫn chứng, TP.HCM đang làm đề án 620ha và lấy đất nông trường Phạm Văn Hai, nông trường An Hạ - những vùng có hàng nghìn ha đất hoang hóa chưa sử dụng - để chuyển đổi thành những khu công nghiệp, nhất là công nghệ cao. Tuy nhiên, đề án này có từ 2 năm nay song chưa được giao đất, đó là vướng mắc mà Chính phủ, UBND TP.HCM cần sớm giải quyết để tạo bứt phá cho mô hình các khu chế xuất - khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, các khu chế xuất - khu công nghiệp được hình thành từ 30 năm trước thì nay theo thời hạn sử dụng đất chỉ còn lại 20 năm. TP.HCM cần tiếp tục cho phép gia hạn sử dụng đất thêm 20 năm (tổng thời gian sử dụng đất lên 70 năm, vẫn trong luật định), đây là kỳ vọng của các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng - nguyên là Phó Tổng giám đốc Liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận - cho biết, thời điểm cách đây 30 năm, khu chế xuất là mô hình vô cùng mới, không dễ làm. Đặc biệt, đây lại là mô hình học từ nền kinh tế nước ngoài, đưa vào Việt Nam.
“Thành công của mô hình khu chế xuất là tỷ lệ lấp đầy nhưng thành công của Việt Nam còn hơn thế. Từ mô hình khu chế xuất Tân Thuận lan rộng ra mười mấy khu chế xuất - khu công nghiệp khác của TP.HCM và hơn 300 khu trên toàn quốc”, ông Dưỡng nói.
Số liệu từ Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho thấy, lũy kế đến tháng 9/2022, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%.
Bình quân, các khu chế xuất - khu công nghiệp thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài/năm. Giá trị xuất khẩu trung bình của các khu đạt 7 tỷ USD, trung bình nộp NSNN hơn 22.000 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động của TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông đánh giá, việc phát triển khu chế xuất - khu công nghiệp tại TP.HCM cũng bộc lộ hạn chế như chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu và nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng đất; mô hình phát triển của các khu công nghiệp chậm được đổi mới; liên kết, hợp tác trong chính các khu, giữa các khu với nhau và giữa khu chế xuất, khu công nghiệp với khu vực bên ngoài còn lỏng lẻo. Mặt khác, hạ tầng phục vụ khu công nghiệp còn chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư.
Để tạo bước đột phá, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35 ngày 28 tháng 5 năm 2022 thay cho Nghị định 82 về quản lý các khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó có điều kiện bắt buộc các nhà đầu tư phải dành tỷ lệ diện tích đất cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với mức giá chỉ bằng 70% so với các lĩnh vực khác.
Trong đó, Nghị định đề cập phát triển khu công nghiệp hỗ trợ. Đây là 1 trong 6 mô hình khu công nghiệp, bên cạnh có còn có khu công nghiệp công nghệ cao... Khu công nghiệp hỗ trợ là khu công nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; có tối thiểu 60% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Điều 9 của Nghị định này quy định điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, nêu rõ: Dành tối thiểu 5 ha đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng, văn phòng, kho bãi) để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại điểm e, điểm g khoản 2 Điều 15 của Luật Đầu tư, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất. Trường hợp đầu tư loại hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao thì không phải thực hiện điều kiện quy định tại khoản này.
Về chủ trương chung, Nhà nước khuyến khích và có biện pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư mới hoặc chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần khu công nghiệp đã được thành lập sang hoạt động theo loại hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao theo quy định tại Nghị định này.
Trong đó, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng và dự án đầu tư trong khu công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng ưu đãi áp dụng theo địa bàn và ngành, nghề và ưu đãi áp dụng đối với dự án đầu tư vào khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ về thủ tục hành chính, tư vấn kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin hợp tác đầu tư theo quy định tại Nghị định này.
Đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ, chủ đầu tư sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, thực hiện các hình thức huy động vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan; được đưa vào danh mục dự án thu hút đầu tư.
30 năm qua mô hình khu chế xuất - khu công nghiệp đã hoàn thành sứ mệnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho người lao động,... thì bối cảnh hiện nay buộc phải chuyển sang mô hình mới dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Hoàng Hiệp