Dệt may, da giày là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong 2 năm qua, ngành đã từng bước phục hồi với nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

Trao đổi với báo chí, ông Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ, năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp; thiếu hụt và cạnh tranh lao động tại các trung tâm sản xuất, khu công nghiệp lớn gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất nhưng ngành Dệt May Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Với những kinh nghiệm đã được rèn giũa qua sóng gió năm 2022, 2023, ngành Dệt May Việt Nam dự kiến cán mốc xấp xỉ 44 tỷ USD xuất khẩu, tăng gần 11% so với năm 2023.

Với sự quyết liệt, nhiều đổi mới tích cực trong công tác điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động trong toàn hệ thống, Vinatex bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng, vượt qua khó khăn năm 2024 với kết quả: Doanh thu hợp nhất ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023; Thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023. Theo thống kê sơ bộ, lương tháng 13 và thưởng Tết cho NLĐ trong hệ thống ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người, tương đương 1,5-2 tháng lương.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại “Hội thảo kết nối doanh nghiệp dệt may và da giày” do Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật phát triển công nghiệp khu vực phía Nam tổ chức mới đây, để hồi phục bên vững sau đại dịch, các vấn đề cốt lõi điểm nghẽn của ngành cần ưu tiên phát triển là vấn đề nguyên phụ liệu, vấn đề công nghiệp hỗ trợ trong ngành.

Ông Lê Xuân Thọ, quyền Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam, nhấn mạnh rằng ngành này không chỉ đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu mà còn tạo ra hàng triệu việc làm.

nhieu doanh nghiep det may da co don hang xuat khau den quy iii.jpeg

Hiện nay, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), từ hơn 3.800 nhà máy dệt, chỉ 6% sản xuất sợi, 17% sản xuất vải và 4% là các cơ sở nhuộm, trong khi 70% nhà máy tập trung vào sản xuất may mặc. Việt Nam tiêu thụ khoảng 400.000 tấn bông hàng năm, nhưng chỉ có 3.000 tấn được cung cấp nội địa, chưa tới 1% nhu cầu. Sự thiếu hụt nguyên phụ liệu thể hiện rõ khi Công ty CP Dệt may Liên Phương (LPtex) phải nhập khẩu từ Úc đối với sản phẩm wool và từ Trung Quốc với sợi tái chế, khiến giá thành tăng từ 5-15% do chi phí nhập khẩu.

Khâu dệt, nhuộm nội địa còn yếu là nguyên nhân chính khiến việc nhập khẩu nguyên liệu trở nên cần thiết. Bà Trần Thị Trà My từ Công ty TNHH VietKai cho biết, phần lớn nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường đều phải nhập từ Trung Quốc vì Việt Nam chưa đủ khả năng sản xuất.

Để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS – đề xuất thành lập trung tâm nguyên phụ liệu. Trung tâm này sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu với giá trị gia tăng cao hơn, thay vì chỉ tập trung vào gia công.

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh, để cạnh tranh giá và đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt cần vượt qua thách thức về giá và chính sách thuế, phí. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào vật tư cung ứng nguyên phụ liệu “xanh”, và xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ với cơ sở hạ tầng hoàn thiện.

Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ về tài chính, chuyên môn để giúp ngành dệt may tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế. Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng và định vị lại vị thế doanh nghiệp là điều cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh.

Hội thảo lần này cũng là nơi các chuyên gia từ Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc giới thiệu công nghệ mới và xu hướng trong ngành, cùng với việc quảng bá sản phẩm của nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày. Sự thúc đẩy và ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày không chỉ giúp Việt Nam tăng cường khả năng tự chủ mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu.

Tuấn Kiệt và nhóm PV, BTV