Thông tin được trang Tanks-encyclopedia.com công bố cho thấy, nhà chức trách Đức trong Thế chiến Hai cảm thấy quân đội nước này dù có hàng nghìn xe tăng được chế tạo với công nghệ kỹ thuật vượt hơn so với một số loại thiết giáp của đối phương ở Mặt trận phía Đông, nhưng các lực lượng vũ trang Berlin khi đó vẫn cần một loại xe tăng mới “lớn hơn, bọc giáp dày hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn bất kỳ thứ gì từng được chế tạo trước đó”.

Đồng thời, loại xe này sẽ có nhiệm vụ giúp quân đội Đức tấn công vào các phòng tuyến vững chắc, và đối phó với nhiều loại xe tăng đang được đối phương nâng cấp cả về giáp lẫn hỏa lực.

Bản vẽ của xe tăng Panzer VIII Maus. Ảnh: Tanks-encyclopedia.com

Do vậy, nhiệm vụ chế tạo mẫu xe tăng mới đã được chính quyền Berlin khi đó giao cho kỹ sư Ferdinand Porsche, người sáng lập ra hãng xe danh tiếng Porsche.

Kỹ sư Porsche vào đầu năm 1942 đã bắt đầu phác thảo bản thiết kế dành cho loại xe tăng mới, với trọng lượng khoảng 100 tấn. Tuy nhiên tới tháng Năm cùng năm, thiết kế trên được cho là “quá bảo thủ” nên trọng lượng cho cỗ xe tăng được nâng lên 120 tấn với “ưu tiên về lớp giáp nặng nhất và hỏa lực mạnh nhất có thể”.

Bản mô phỏng dựng bằng gỗ về mẫu xe tăng Panzer VIII Maus. Ảnh: Tanks-encyclopedia.com

Dự án chế tạo siêu xe tăng trên sau đó đã trải qua hàng chục lần chỉnh sửa, và ông Porsche từ tháng 12/1943 tới tháng 3/1944 đã lần lượt ra mắt hai nguyên mẫu thuộc dòng siêu tăng Panzer VIII Maus với tên gọi cho từng phiên bản là V1 và V2.  

Vào ngày 15/1/1944, quân đội Đức đã cho mẫu V1 tham gia vào một số cuộc thử nghiệm trên thực địa, với yêu cầu kíp lái di chuyển cỗ xe tăng đi qua quãng đường đã định dài khoảng 2km. Khi di chuyển qua nơi có nền đất mềm, dù nặng tới 188 tấn nhưng chiếc xe tăng chỉ bị lún khoảng 0,5m trước khi vượt qua chướng ngại thành công.

Hình chụp mẫu V1 (trái) và V2 từ đằng sau. Ảnh: Tanks-encyclopedia.com/ Jentz and Doyle

Theo thông tin được cuốn sách Panzer Tracts No. 6-3 Schwere-Panzerkampfwagen Maus and E 100 công bố, V1 và V2 thuộc dòng Panzer VIII Maus đều có trọng lượng 188 tấn, trong đó tháp pháo nặng 55 tấn; dài 10,2m; rộng 3,71m và cao 3,63m. Kíp lái có 6 người. Vũ khí chính của Maus là một pháo cỡ nòng 128mm có thể phá hủy bất kỳ xe thiết giáp nào ở thời đó, vũ khí phụ gồm 1 pháo 75mm và súng máy MG34.

Điểm khác biệt duy nhất của hai mẫu V1 và V2, cũng như với nhiều loại siêu xe tăng đương thời, đó là hai cỗ xe này cần tới động cơ máy bay để di chuyển. Mẫu V1 cần động cơ MB509 V12 với công suất là 1.080 mã lực để có thể hoạt động, trong khi mẫu V2 sử dụng động cơ MB 517 V12 có sức kéo lên tới 1.200 mã lực. 

Mẫu V2 tham gia thử nghiệm tại thị trấn Boblingen, Đức. Ảnh: Tanks-encyclopedia.com/ Jentz and Doyle

Dù các cuộc thử nghiệm của hai mẫu V1 và V2 đều diễn ra tốt đẹp, nhưng nhiều biến động trong lòng nước Đức vào giữa thập niên 1940 đã gây trở ngại cho dự án Panzer VIII Maus, nên việc nghiên cứu và sản xuất dòng xe này bị hủy bỏ vào năm 1945. Khi quân đội Liên Xô tiến vào Berlin, Đức vào tháng 5/1945, các binh sĩ thuộc lực lượng cơ giới nước này đã cho chuyển cỗ xe tăng V1 về trưng bày tại Viện bảo tàng xe tăng Kubinka, Moscow.

Cỗ xe tăng Panzer VIII Maus (trái) được chuyển về Liên Xô. Ảnh: Tanks-encyclopedia.com
Chiếc Panzer VIII Maus trưng bày tại Viện bảo tàng xe tăng Kubinka, Nga. Ảnh: Wikipedia