“Khi tôi đang ngồi xuống sau khi uống ngụm nước lạnh, tôi cảm thấy tiếng tim đập thình thịch”, Franklin Aribeana, 35 tuổi, nói với ABC News về chứng sợ nước liên quan đến tim của mình.
Franklin lần đầu tiên nhận thấy triệu chứng đáng báo động ở tuổi 18 khi trong phòng tập gym. “Đó là một ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên”, vận động viên thể hình nhớ lại. Anh cảm thấy “có tiếng động rõ rệt” khi uống nước. Chẳng bao lâu sau, anh bất tỉnh.
Tuy nhiên, phải đến 15 năm sau 25 lần đi khám, Franklin mới phát hiện ra nguyên nhân dường như vô hại gây ra tình trạng của mình - nước lạnh. Một ngày, sau khi uống ngụm nước ở phòng gym, anh nhận thấy tim mình đập không kiểm soát.
Lo lắng trước phản ứng nghịch lý của mình với loại nước uống thông thường, Franklin quyết định đi khám lần nữa.
Các xét nghiệm di truyền cho thấy Franklin mắc chứng quang sai di truyền khiến anh bị rung tâm nhĩ, một dạng rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhịp tim không đều, thở nhanh, thở nông, đập trống ngực, đau ngực.
Các bác sĩ cho rằng chứng loạn nhịp tim của Franklin do nước lạnh chạm vào dây thần kinh phế vị, một phần của hệ thần kinh điều chỉnh nhịp tim.
Tờ Daily Mail đưa tin, đây là phản ứng bất thường và cực kỳ hiếm gặp, tiếp xúc với nước lạnh khiến nhịp tim chậm lại để bảo tồn oxy và năng lượng. Phản ứng này thường hết khi bệnh nhân không còn bị lạnh nữa.
Thật không may, chứng dị ứng nước được cho là trầm trọng hơn khi bệnh nhân tập luyện cường độ cao như cử tạ. Franklin từng bất tỉnh khi đang chơi golf vào một ngày hè nóng nực. “Tôi nhấp một ngụm nước lạnh và sau đó, tim tôi đập mạnh như thoát ra khỏi lồng ngực rồi tôi mất ý thức”, anh nhớ lại.
Theo bác sĩ Khashayar Hematpour, phản ứng bất thường của Franklin đã cho phép các chuyên gia chẩn đoán tình trạng của anh ấy khá sớm. Nhiều người mắc bệnh tương tự chỉ có các triệu chứng mờ nhạt như hơi mệt mỏi, khó thở và đau ngực.
Các bác sĩ có thể khắc phục vấn đề về tim do nước gây ra cho bệnh nhân bằng cách cắt bỏ mối liên hệ giữa dây thần kinh phế vị và tim. Sau khi phẫu thuật, Aribeana đã hồi phục hoàn toàn mà không cần phải nằm viện. Dù vậy, anh vẫn phải dùng thuốc để kiểm soát bệnh.
“Franklin là một cá nhân phi thường. Anh ấy đã rất nỗ lực trong việc điều trị”, Tiến sĩ Hematpour bày tỏ. Điều tuyệt vời nhất là nam VĐV thể hình không còn ngất xỉu vì mùi vị của nước.