Họ đồn tôi giàu từ mấy chục năm nay rồi
- Vai bà Thư chị đảm nhiệm trong phim 'Người một nhà' được mô tả là một người rất ham tiền, có giống với lời đồn Vân Dung giàu và mê tiền lắm không?
Họ đồn mấy chục năm nay rồi, từ hồi tôi chưa có gì cơ! Từ trước đến nay làm cát sê là Vân Dung, đi đòi tiền cũng là Vân Dung, tổ chức show cũng là Vân Dung, các bầu sô bớt hay thêm tiền toàn làm việc với Vân Dung. Đòi được tiền cũng là Vân Dung, không đòi được tiền lại vẫn là Vân Dung. Tôi phải nhận cát sê và chia cho mọi người chứ có cho vào riêng túi mình đâu. Thế mới đau chứ, nên thành ra bây giờ lại mang tiếng tham tiền.
- Chị nổi tiếng mấy chục năm qua ở 'Gặp nhau cuối tuần' và 'Táo Quân', nếu Vân Dung có giàu cũng là chuyện rất bình thường bởi danh tiếng từ những chương trình đó giúp chị kiếm tiền tốt?
Nói đến Táo Quân, Gala Cười đừng nói đến tiền. Bởi những gì Táo Quân và Gala Cười mang lại cho tôi là không thể đong đếm được. Từ những chương trình này tôi mới có thương hiệu như ngày hôm nay và được khán giả yêu quý như bây giờ. Cái lớn hơn tiền bạc là tình cảm của khán giả.
Tôi chấp nhận bị mắng, bị ăn gạch đá
- Sắp tới khán giả sẽ gặp Vân Dung trong 'Người một nhà' với một vai diễn nghe nói còn bị ghét hơn nhân vật Diễm Loan ở 'Hướng dương ngược nắng'. Chắc chị cũng dự đoán trước được phản ứng của khán giả với vai bà mẹ cay nghiệt nhiều khả năng bị ném đá dữ dội?
Vai bà Thư trong Người một nhà không dài, không nhiều đất diễn và không hài hước như Diễm Loan Hướng dương ngược nắng nhưng lại có chiều sâu. Bà Thư bên trong suy nghĩ khác nhưng bên ngoài đối lập, đó là con người đa nhân cách. Khán giả khi xem phim ban đầu sẽ ghét lắm, đúng như bạn biên kịch dùng từ "ghê tởm".
Tuy nhiên, trong sâu thẳm bà Thư lại là con người khác, yêu con không giống những bà mẹ khác. Bản thân tôi khi diễn cũng chẳng thể lý giải được vì sao bà Thư lại như thế, chỉ biết diễn đúng với hoàn cảnh và cảm xúc của nhân vật. Nhiều lúc diễn xong tôi tự hỏi vì sao một người mẹ lại có thể đối xử với con mình như thế.
- Chị nói vai mới này khéo còn bị ghét hơn vai trước, vậy chắc chị còn gặp nhiều phản ứng tiêu cực từ khán giả?
Nếu xem phim xong mà khán giả phân biệt được giữa phim và đời thì chưa chắc bạn đã thành công. Còn người xem quá nhập tâm, không phân biệt được giữa diễn và không diễn nghĩa bạn đã thành công. Tôi chịu bị mắng, ăn gạch đá, chấp nhận mọi thứ nhưng chỉ tâm niệm mình phải làm tất cả để đưa khán giả lên đỉnh điểm của cảm xúc.
- Tôi muốn chị kể kỹ hơn về câu chuyện từng bị nữ chủ tịch một tập đoàn mắng là rẻ tiền giữa quán ăn?
Lúc đầu tôi rất sốc và cứ ngồi nghe. Chị ấy nói to và hùng hồn, những người có mặt trong nhà hàng đều nghe thấy hết và nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích, chị lại ôm chầm lấy tôi và nói: 'Vân Dung ơi em thiệt thòi quá! Bây giờ chị mới hiểu điều đó'. Tôi rất cần và yêu những khán giả như thế vì họ xem phim với tâm thế hết lòng, chú ý từng tiểu tiết. Với những người đó mắng thế mắng nữa tôi vẫn yêu.
- Chị chia sẻ là xưa nay trên phim toàn đi đánh người, thậm chí ở 'Người phán xử ngoại truyện' còn hét vào mặt Phan Hải không chớp mắt vậy mà tới 'Người một nhà' chị lại run sợ vì bị đánh?
Đây là lần đầu tiên tôi bị đánh và rất mệt. Mình bị đánh và cũng xông vào đánh lại nhưng sợ người ta đau nên cứ phải kiềm chế. Anh Quốc Trọng túm tóc tôi nhẹ lắm, tôi tự ăn vạ là chủ yếu.
Nghề này không có khái niệm xin xỏ, tất cả phải do nỗ lực
- Con trai chị giờ cũng làm diễn viên, đã trở thành đồng nghiệp với Vân Dung. Nghĩa là chị có thêm một khán giả khó tính bởi bạn ấy rất có thể sẽ nhận xét vai diễn của mẹ?
Con trai lại chưa bao giờ khen và rất ít xem vai diễn của mẹ, chỉ xem người khác đóng, hâm mộ diễn viên khác thôi. Tất cả những lời mẹ nói không bao giờ nghe, chỉ nghe thầy và các anh chị. Khi bạn ấy đi làm phim, mọi người hỏi: "Thế mẹ không dạy cái gì à? Sao diễn thế?". Về nhà con hỏi tôi vì sao mọi người lại nói như thế.
Tôi đáp: "Mẹ không biết vì trước nay mẹ dạy rất nhiều nhưng con không nghe. Không nghe thì nó như thế đấy. Tất cả những gì mẹ đã dạy con bây giờ mẹ không nói nữa". Thế là từ đó có phân đoạn nào không diễn được là cậu ấy về nhà hỏi. Và tôi phải phân tích nhân vật, chỉ cách vào vai sao cho ngọt nhất. Tôi nói điều quan trọng là con không được diễn, không được lấy cảm xúc từ bên ngoài như chuyện buồn của bản thân để diễn nỗi buồn của nhân vật.
- Long Vũ có bao giờ tâm sự chịu áp lực khi là con trai của chị không? Bởi điều đó đồng nghĩa bạn ấy cũng bị soi xét nhiều hơn các diễn viên khác?
Có chứ! Bạn ấy nói: "Mẹ! Hay vì mẹ đẻ con xấu quá mà con đi casting không ai nhận. Mẹ! Hay vì mẹ đẻ con xấu giống bố nên 4 năm đi học không ai mời con. Mẹ! Hay là vì mẹ nổi tiếng quá nên các cô các chú luôn nghĩ con đã có mẹ rồi nên sau này mẹ sẽ chăm lo, không cần mời con nữa mà nhường cơ hội cho các bạn khác".
Tôi trả lời: "Con nhầm! Đấy là vì con chưa nỗ lực, diễn chưa thuyết phục được đạo diễn, vì con làm chưa tốt. Nghề này không ai xin được cho ai. Mẹ nếu có thì chỉ xin cho con 1 lần thôi, xin để con có vai diễn, còn ra ngoài đời khán giả chấp nhận và yêu quý không do con chứ không thể do mẹ.
Nếu con làm không tốt thì dù mẹ có chơi thân mấy với đạo diễn thì lần sau họ cũng không mời con vì tất cả phải dựa trên hiệu quả công việc. Mẹ cũng thế, có thể chơi rất thân với người này nhưng phim của người ta chưa chắc đã mời mẹ và mẹ phải chấp nhận điều đó.
Con cứ đi casting đi, 10 phim đến 100 phim mẹ khẳng định con sẽ được nhận. Giờ con chỉ là hạt cát mà chờ mọi người mời không bao giờ. Cỡ như mẹ mà còn phải đi casting nữa là con. Đừng chờ cơ hội đến mà mình phải đi tìm cơ hội".
Thế là, cậu ấy cứ nhiệt tình đi casting, trượt về mặt lại thượt ra và đổ cho mình xấu. Nghề này đừng nói đẹp trai xinh gái mà nổi tiếng, quan trọng là phải giỏi, phải có cái độc lạ của riêng mình.
- Chị đã chuẩn bị tâm lý cho việc sẽ đóng phim cùng con trai? Khi đó sẽ thế nào nhỉ?
Long Vũ tự hỏi các đạo diễn về khả năng này và các chú nói: "Cứ làm đi rồi sẽ có". Còn tôi nói nếu có chuyện đó hai mẹ con phải diễn ở hai chiến tuyến để đấu với nhau mới hay, chúng ta không thể về một phe được.
Vân Dung trong phim 'Người một nhà':