PGS.TS nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình khẳng định: “Văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với tri thức sách vở, phải biết đọc sao cho hợp lý và bổ ích, đọc sao cho hợp với quy luật tiếp nhận tri thức”. Văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển đã mở ra rất nhiều cơ hội mới và cả những khó khăn, thách thức trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như truyền hình, facebook, youtube,…

Người Việt chưa có thói quen đọc sách từ nhỏ

Theo chị Phan Lê Hải Linh – sáng lập Thư viện Cánh Diều (thư viện hướng tới việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em từ 3-11 tuổi), rào cản trong việc phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam nằm ở việc người Việt chưa hình thành được thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.

{keywords}
 Thói quen đọc sách không thể hình thành trong ngày một, ngày hai mà phải có từ khi còn nhỏ (Ảnh: Thư viện Cánh diều).

“Phát triển văn hoá đọc không phải là chúng ta cứ hô hào quyên góp xây dựng thật nhiều tủ sách, thư viện…. Nếu một người không có thói quen đọc sách dù họ có ở cạnh một thư viện có rất nhiều sách cũng không bao giờ đọc, có được cho tặng nhiều sách cũng không có ý nghĩa gì”, chị Phan Lê Hải Linh chia sẻ.

Chị Linh cho hay, thói quen đọc sách không thể hình thành trong ngày một, ngày hai. “Tôi biết có những người là bạn bè mình, khi trưởng thành và có nhiều trải nghiệm hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách – nghĩa là có sự thay đổi tích cực về nhận thức. Thế nhưng, từ nhận thức đến hành động và hình thành thói quen là cả một quãng đường rất dài, cần sự bền bỉ liên tục”, chị Linh chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc NXB Phụ nữ, rào cản lớn nhất, đầu tiên chính là người Việt Nam không có thói quen đọc sách. “Thời phong kiến, số ít đọc sách để thi cử, cốt đỗ đạt để làm quan. Khi đất nước được độc lập, cả xã hội lo thoát nghèo, phát triển kinh tế, chưa chú trọng và đầu tư theo chiều sâu cho văn hóa, trong đó có văn hóa đọc. Người dân chưa nhận nhận thức đầy đủ về vai trò của sách trong việc nâng cao dân trí, xây dựng xã hội văn minh”, bà Khúc Thị Hoa Phượng bày tỏ. 

{keywords}
Chị Phan Lê Hải Linh đọc sách cho các em nhỏ (Ảnh: Thư viện Cánh diều).

Thứ nữa, do điều kiện kinh tế, dân trí ở các vùng miền không đồng đều: khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc,… ít có điều kiện tiếp cận với sách. Thêm vào đó, theo người đứng đầu NXB Phụ nữ, nhận thức của các nhà lãnh đạo chưa thấy được vai trò của văn hóa đọc trong việc nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, xây dựng và phát triển địa phương… nên chưa thực sự quan tâm. Nhiều địa phương mới dừng ở phong trào, chưa đi được vào chiều sâu, chưa phát huy được vai trò của trí thức tại địa phương trong việc phát triển văn hóa đọc…

Và trẻ em hiện nay bị “ép” học quá nhiều, không còn thời gian cho việc đọc sách, dù các em đều thích đọc sách. Rào cản cuối cùng theo bà Khúc Thị Hoa Phượng chính là sự cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn, các thiết bị điện tử,… khiến sách không còn là lựa chọn hàng đầu của người dân, nhất là giới trẻ.

“Đây là rào cản mang tính thời đại nên rất cần có những chương trình giáo dục để người dân tự biết cân bằng, tự biết điều chỉnh để có ý thức tự trang bị tri thức từ sách và có ý thức xây dựng, phát triển văn hóa đọc”, bà Khúc Thị Hoa Phượng nói.

Nền tảng văn hóa đọc của xã hội đang ở xuất phát điểm rất thấp

'Cửu vạn sách' Đỗ Tiến Thành nhận mình dù là người ngoại đạo, ít liên quan đến lĩnh vực giáo dục, sách vở nhất, góc nhìn của cá nhân anh đến từ rất nhiều hoạt động tại thực địa. Những nghiên cứu thực nghiệm của Sách hóa nông thôn trong nhiều năm cho thấy "khó khăn lớn nhất của chúng ta bắt nguồn từ nền tảng văn hóa đọc của xã hội đang ở xuất phát điểm rất thấp".

Điều đó không chỉ thể hiện ở số lượng sách đọc trên đầu người dân, sự quan tâm đến văn hóa đọc nói chung của xã hội, mà còn nằm ở những chính sách khuyến đọc của Nhà nước còn rất thiếu và mỏng, ngành xuất bản còn non yếu…

Một vấn đề khác, theo anh Thành, khi văn hóa đọc đang được nhen nhóm phải đối mặt với một cơn bão khác đó là thời đại công nghệ đang phát triển như vũ bão từng ngày kéo đi phần lớn các độc giả với việc đọc, xem tiện lợi trên thiết bị công nghệ.

"Những năm gần đây, văn hóa đọc đã có những phát triển rõ rệt nhờ vào sự chung tay của cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta đang ở những viên gạch đặt móng đầu tiên của ngôi nhà, nếu như ngành văn hóa, giáo dục không có những chuyển biến mạnh mẽ để đồng hành cùng cộng đồng với những chính sách cụ thể, nhưng hành động thiết thực", anh Thành chia sẻ.

Tình Lê

Bài 2: Làm gì để người trẻ hứng thú với sách

‘Cửu vạn sách’ gieo mầm văn hoá đọc

‘Cửu vạn sách’ gieo mầm văn hoá đọc

Là kỹ sư với bao bận rộn nhưng anh Đỗ Tiến Thành vẫn dành thời gian đi xin sách, tặng sách, đọc sách dạo tại các trường học và khuyến đọc, biệt danh Thành 'cửu vạn sách' ra đời từ đó.